Cẩm Mỹ - Xã Sông Nhạn : noi-dung-tin Cẩm Mỹ - Xã Sông Nhạn
Chào mừng quý vị đến với Website xã Sông Nhạn huyện Cẩm Mỹ
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
TUYÊN TRUYỀN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Cập nhật09-11-2023 02:59
TUYÊN TRUYỀN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Nhiệm vụ trọng tâm của XHHT là làm cho mọi người từ trẻ đến già đều thấy cần phải học, và học suốt đời, xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc, tạo môi trường học tập đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập ban đầu và học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi và cả người cao tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, trong đó đặc biệt chú ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người bị khuyết tật, người bị thiệt thòi về giáo dục và có thể học ở mọi nơi (tại trường, tại nơi làm việc, tại nhà...), mọi lúc, học bằng nhiều cách: trên lớp, học từ xa qua phát thanh, truyền hình, học trên máy tính, trên mạng in-tơ-nét, hội nghị, hội thảo, trò chơi... theo nguyên tắc tự học là chính. Bản chất XHHT là một môi trường giáo dục, trong đó mọi người đều được cung cấp cơ hội học tập, với thiết chế giáo dục mở, mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng điều kiện học của từng người, từng cơ quan, đơn vị... một môi trường trong đó mọi lực lượng xã hội, mọi tầng lớp xã hội đều tự giác học hành và tích cực tạo ra các cơ hội, điều kiện học hành cho xã hội sao cho cả xã hội trở thành một trường học lớn, mỗi người dân là một học trò, nhu cầu học luôn được đáp ứng và là nơi đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng với nhiều trình độ, nhiều năng lực khác nhau đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế trong một thị trường lao động luôn biến động dưới sự tác động tiến bộ của khoa học và công nghệ. Trong XHHT, quan niệm về học được mở rộng. Học không chỉ là học văn hóa mà còn phải học các kiến thức khác để làm việc, để sáng tạo, để làm người, để sống tốt hơn, thích ứng sự thay đổi của xã hội. Và, học không chỉ học trong nhà trường, học tập trung theo niên chế mà còn học trong cuộc sống xã hội, tập thể, gia đình, bạn bè,... Học được ý thức là con đường làm tăng trưởng trí tuệ, giá trị đạo đức, tinh thần, thể chất, thẩm mỹ,... cho con người.

XHHT là một xã hội cung cấp cho con người đầy đủ các điều kiện, các cơ hội để học tập, phát triển, bảo đảm cho con người luôn có được các phẩm chất: trí tuệ, kỹ năng, thái độ thích ứng đòi hỏi của một xã hội luôn biến đổi. Học là quá trình thu thập và xử lý thông tin để tự biến đổi mình, "phù sa" tri thức, làm phong phú cho bản thân. Trong điều kiện ngày nay, thông tin là tài nguyên của sự học; con người trong XHHT là con người có kỹ năng thu thập, xử lý sử dụng thông tin bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Giáo dục và việc học hành của con người trong xã hội hiện đại không thể chỉ dựa vào nguồn tri thức của người thầy ở trường như trước đây, mà phải mở ra toàn không gian sống của con người trong xã hội thông tin. Do vậy, XHHT chỉ hình thành và phát triển được dựa trên nền công nghệ thông tin phát triển, trong đó, truyền thông đa phương tiện phục vụ người học rộng rãi trong cả nước là quan trọng hàng đầu.

XHHT ở Việt Nam được xây dựng trên quan điểm nào? XHHT phải là một thiết chế giáo dục mở, một môi trường giáo dục thỏa mãn nhu cầu học tập của mọi người trong xã hội, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ với các hình thức học tập đa dạng, mềm dẻo, linh hoạt: học ở nhà trường tập trung theo niên chế, tự học, học có hướng dẫn, bổ túc văn hóa (BTVH), tại chức, học từ xa theo triết lý tự học và học suốt đời. Theo quan niệm trên, mô hình hệ thống giáo dục quốc dân trong XHHT phải cơ cấu lại căn bản. XHHT yêu cầu một cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức một cách khoa học, bảo đảm việc học tập của con người được diễn ra liên tục, dễ dàng, tiện lợi suốt đời người từ bé đến lúc chết. Bên cạnh hay song song với giáo dục trong nhà trường truyền thống, hay giáo dục ban đầu (GDBÐ) cho lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, được tổ chức học tập trung theo niên chế, chủ yếu cung cấp các kiến thức văn hóa phổ thông, tạo nguồn cho hoạt động đào tạo nghề và cán bộ khoa học chuyên môn ở giai đoạn tiếp theo, ắt phải có hệ thống giáo dục tiếp tục (GDTT) dành cho những người đã nhận được chương trình GDBÐ ở phổ thông hoặc đại học, đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau và những người không có điều kiện nhận được chương trình giáo dục ban đầu (do bỏ học, nghèo túng, xa cách địa lý, tâm lý xã hội...) có nhu cầu học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực làm việc, tìm kiếm việc làm hoặc thay đổi công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống... mà không cần hoặc không có điều kiện đi học tập trung, theo niên chế. Hệ thống giáo dục tiếp tục phải là một thiết chế độc lập (tương đối) mở, có mục tiêu đào tạo, cách tổ chức dạy - học, tài liệu dạy - học riêng, khác với hệ thống giáo dục ban đầu như: không học tập trung, không theo niên chế, không học "giáp mặt", học từ xa bằng các dạng học liệu riêng được cung cấp qua hệ thống truyền thông đa phương tiện với hình thức học tập chủ đạo là tự học. Hệ thống giáo dục ban đầu và hệ thống giáo dục tiếp tục là hai hợp phần của một chính thể là hệ thống giáo dục quốc dân, có mối liên hệ qua lại rất mật thiết, bổ trợ cho nhau, mang tính liên thông đan xen dọc - ngang nhịp nhàng và làm tiền đề cho nhau tồn tại, phát triển, thay đổi.

Có rất nhiều bài học về tấm gương đạo đức Bác Hồ mà chúng ta cần phải học tập, trong đó có tấm gương về học tập suốt đời đã hình thành "Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời". Học mọi lúc, mọi nơi Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học, Bác Hồ đã được học hành từ thuở niên thiếu ở quê hương và sau đó là những năm tháng theo gia đình vào kinh đô Huế. Năm 1911, Bác trở thành thầy giáo Nguyễn Tất Thành daỵ học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, lúc hai mươi mốt tuổi. Trong những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã học ở nhiều trường đại học cuộc đời. Bác đã học ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á, học ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là học nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, học ngoại ngữ, học cách viết báo, làm báo. Bác đã học ở mọi nơi, mọi lúc. Học trong hầm tàu thuỷ viễn dương, học khi làm phụ bếp, học trong nhà tù của đế quốc, học ở thư viện, học ở giảng đường... trong suốt ba mươi năm xa Tổ quốc. Trong điều kiện không có sự đùm bọc chăm sóc của gia đình, không có học bổng, không có cơ quan, tổ chức tài trợ, luôn bị đế quốc săn lùng, ám hại, song Bác vẫn học được và tìm ra được con đường cứu nước, con đường làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai sắc lệnh về sự học được ký cùng ngày Bác Hồ đã học tập suốt đời nên càng thấm thía cảnh lầm than, thất học của nhân dân các dân tộc thuộc địa. Khi còn hoạt động ở hải ngoại, năm 1919 Bác đã gửi đến Hội nghị Versailles bản yêu sách gồm tám điểm, trong đó điểm thứ sáu là: "Tự học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh". Khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Bác chỉ có ham muốn và ham muốn tột bậc là nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Điều mong muốn của Bác đã được thể hiện ở những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước ta, trong các lời dạy của Người. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã coi việc diệt giặc dốt quan trọng và cấp bách như diệt giặc đói, giặc ngoại xâm. Bác đã nhận ra trên 90% số dân ta mù chữ, thất học, đó là một quốc nạn. Bác còn cảnh báo: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Bác động viên khích lệ đồng bào: "Đi học là yêu nước". Ngày 8/9/1945 Hồ Chủ tịch đã ký hai sắc lệnh về thanh toán nạn mù chữ và thành lập Nha Bình dân học vụ. Đây là sắc lệnh đầu tiên về giáo dục của Nhà nước non trẻ vừa giành được độc lập. Tiếp đó ngày 15/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã quyết định mở lại Trường Đại học Đông Dương và đổi tên thành Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bác Hồ đã đến dự lễ khai giảng đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945 của Bác có đoạn viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Và sau này Bác lại nêu lên một triết lý sâu sắc thông qua một sự việc cụ thể, đơn giản, dễ nhớ là: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Bác nêu ra nguyên lý giáo dục "Học đi đôi với hành"; Bác coi việc phát triển kinh tế và phát triển giáo dục có quan hệ chặt chẽ với nhau: Không có kinh tế thì không có giáo dục, nhưng không có giáo dục thì cũng không có kinh tế. Học tập suốt đời là làm theo tấm gương của Bác Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời đã bắt gặp xu thế của thời đại khi trên thế giới giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tốt quyết định tương lai của mỗi dân tộc, của mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong thời đại ngày nay Đảng ta cũng đã khẳng định: "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu". Đại hội Đảng lần thứ IX, X đã khẳng định mục tiêu: "Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước. Xuất phát từ các nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đười, Bộ Chính trị đã có chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 24/8/1999 và chỉ thị số 11- CT/TW ngày 13/4/2007 về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục, để thực hiện việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Chúng ta đã và đang phấn đấu để đưa nghị quyết của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời vào cuộc sống, nhằm xây dựng thành công xã hội học tập. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi người dù ở cương vị nào, ngành nghề gì cũng cần phải học thường xuyên, học suốt đời, học để biết, để làm việc, để làm người, để chung sống và phát triển ở cộng đồng, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

(st)

 

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.