ừ đầu vụ đến nay, cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và nông dân trồng chuối đều phấn khởi vì giá chuối già cấy mô liên tục ổn định ở mức cao, thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn so với mọi năm.
* Vươn lên tốp đầu về lợi nhuận
Vụ thu hoạch từ cuối năm 2022 đến nay, giá chuối tươi xuất khẩu luôn ổn định ở mức cao từ 12-14 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ sau đại dịch Covid-19 trở lại đây. Với mức giá này, nông dân trồng chuối già cấy mô xuất khẩu đang có lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/ha.
Nhờ cho lợi nhuận cao nên diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh trong những năm qua. Tính đến năm 2021, tổng diện tích chuối của cả nước đạt hơn 154 ngàn ha, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn. Hiện đây là loại cây ăn trái có diện tích, sản lượng lớn nhất của Việt Nam.
Theo ông LÊ VIẾT BÌNH, Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện khu vực phía Nam Bộ NN-PTNT, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu trái cây tươi được ký kết với Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu trái chuối nói riêng, nông sản nói chung vào thị trường lớn này trong năm 2023. Thực hiện tốt quy định của nghị định thư sẽ giảm được việc kiểm soát, kiểm tra tại biên giới. |
Tại Đồng Nai, giai đoạn 2026-2021, diện tích chuối tăng gần gấp đôi, từ 7,3 ngàn ha lên hơn 13,1 ngàn ha. Diện tích cây trồng chủ lực này vẫn tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn khi tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 14,2 ngàn ha.
Đây cũng là loại cây ăn trái thuộc tốp đầu về xuất khẩu của tỉnh khi năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu trên 400 ngàn tấn chuối. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn chuối và dự kiến cả năm sẽ vượt con số 500 ngàn tấn.
Giám đốc Công ty TNHH Real Farm (H.Trảng Bom) Lê Trung Hòa cho biết: “Bình quân mỗi tháng DN xuất trên 200 container (tương đương 4 ngàn tấn chuối). Từ sau khi có nghị định thư với Trung Quốc, việc xuất khẩu trái chuối tươi ngày càng thuận lợi. Để nhân rộng diện tích chuối đạt chuẩn xuất khẩu, công ty đã cung cấp cho nông dân các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn chuối xuất khẩu và những yêu cầu khác từ các đối tác”.
Theo ông Lê Viết Bình, Phó chánh văn phòng, Trưởng đại diện khu vực phía Nam Bộ NN-PTNT, việc ký nghị định thư xuất khẩu chuối tươi với Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.
* Tăng lợi thế cạnh tranh
Hiện nay, thị trường xuất khẩu trái cây tươi nói riêng, nông sản nói chung không còn dễ tính. Để nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023 và thời gian tới, trái chuối tươi phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.
|
Đóng gói chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH Real Farm (H.Trảng Bom) |
Nói về câu chuyện xây dựng chuỗi liên kết, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An (tỉnh Long An), DN đầu tư vùng chuyên canh chuối xuất khẩu tại Đồng Nai chia sẻ, DN muốn phát triển bền vững thì phải có vùng trồng, gắn với nông dân, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng theo chuẩn xuất khẩu. Như thông điệp của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam là “bếp ăn” của thế giới, DN và nông dân phải liên kết để làm ra sản phẩm an toàn. Điều này đòi hỏi hình thành những vùng chuyên canh lớn để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh so sánh: “Vài ba năm trước, chúng ta mới chớm triển khai mã số vùng trồng, mã số đóng gói, ngay cả chính quyền, ngành Nông nghiệp cũng bối rối, chưa hiểu rõ. Hiện nay, ai cũng hiểu rằng, việc thiết lập mã số vùng trồng, mã số đơn vị đóng gói là đòn bẩy để các thành viên tham gia chuỗi liên kết cùng nhau phát triển kinh tế, hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu”.
Ở đây, cần phát huy vai trò của DN, người dân. Trong đó, DN đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Quan trọng, khi DN gắn với nông dân sẽ giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.
Theo ông Trần Lâm Sinh, thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như: phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics; đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng cơ giới hóa; chuẩn hóa, nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối; đảm bảo duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và công tác kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến sâu và gia tăng giá trị từ phụ phẩm chuối; tổ chức sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh liên kết gắn với nỗ lực hoàn thiện hình ảnh trái chuối Đồng Nai trên thị trường quốc tế.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM NGỤY HOA TƯỜNG: Nhu cầu của Trung Quốc về trái chuối tươi rất lớn
Người dân của nước chúng tôi rất thích ăn chuối tươi nhưng nhiều nơi không trồng được. Trái chuối tươi của Đồng Nai rất ngon, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu chuối tươi và các trái cây khác từ tỉnh.
Để tăng sản lượng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, Việt Nam phải đảm bảo an toàn từ sản xuất đến đóng gói, bảo quản để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Lãnh sự quán Trung Quốc sẽ hỗ trợ quảng bá chuối tươi của Việt Nam để người dân Trung Quốc sử dụng chuối tươi của Việt Nam nhiều hơn. Tôi tin thương hiệu chuối tươi Việt Nam sẽ nổi tiếng tại Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Đồng Nai sẽ mở rộng xuất khẩu trái cây tươi
Việc trái chuối tươi của Việt Nam chính thức bước vào thị trường Trung Quốc là thành quả cho sự nỗ lực của người trồng chuối trong nước. Những năm qua, Đồng Nai tập trung nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng, quản lý các vùng trồng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Hiện tỉnh là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất nước cũng như đứng đầu cả nước về số lượng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu.
Tới đây, để sản phẩm trái cây nói chung, trái chuối nói riêng tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, Đồng Nai mong muốn Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để trái cây của tỉnh đến với người tiêu dùng toàn thế giới. Tỉnh mời gọi DN sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới.
Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kelly Swangle (TP.HCM) LIÊU KIỀU: DN và nông dân cần có chung một giá trị, mục đích
Tôi gặp nhiều khách hàng có nhu cầu hợp tác dài hạn nhưng những vùng trồng của chúng ta còn nhỏ lẻ nên DN không dám ký kết vì e ngại không đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Việc xây dựng được chuỗi liên kết quy mô lớn, bền vững rất cần được đầu tư.
Chính vì vậy, công ty luôn xem nông dân là đồng minh cùng đi trên một con thuyền, cùng có một giá trị, mục đích để tạo ra sức mạnh vượt qua đại dương. Vì xuất khẩu rất khó từ khâu sản xuất, bảo quản, thị trường, thanh toán…
Sưu tầm./.