Cẩm Mỹ - Xã Nhân Nghĩa : noi-dung-tin Cẩm Mỹ - Xã Nhân Nghĩa
Chào mừng quý vị đến với Website xã Nhân Nghĩa huyện Cẩm Mỹ
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ GÓP PHẦN KHÔNG NHỎ VÀO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HUYỆN CẨM MỸ Cập nhật11-08-2017 03:55
MÔ HÌNH “ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT SẢN XUẤT HỒ TIÊU THEO TIÊU CHUẨN GLOBAL GAP” TẠI XÃ LÂM SAN

​Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong cuộc sống, những năm qua, huyện Cẩm Mỹ đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội, chọn lựa ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khả thi đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao áp dụng vào quản lý, sản xuất và đời sống, thể hiện rõ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Cẩm Mỹ là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Diện tích hồ tiêu toàn huyện năm 2014 là 3.748,3 ha, năng suất trung bình 2,27 tấn/ha, sản lượng 3960,8 tấn. Hồ tiêu ở huyện Cẩm Mỹ được trồng tập trung ở các xã Lâm San, Xuân Bảo, Xuân Tây, Bảo Bình. Lâm san là xã có diện tích gần 1.363 ha và năng suất cao nhất  2,58 tấn/ha của huyện.

Diện tích trồng mới hồ tiêu ở huyện Cẩm Mỹ tăng nhanh, chỉ trong năm 2014 diện tích trồng mới là 1.510 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích hồ tiêu toàn huyện, trong đó xã Lâm San có diện tích trồng mới nhiều nhất (456ha).

Xã Lâm San là một xã thuộc vùng sâu vùng xa của Huyện Cẩm Mỹ, với tổng diện tích đất tự nhiên là 3214 ha . Nhìn chung vị trí địa lý của xã so với các đơn vị lân cận không được thuận lợi nhiều trong việc phát triển kinh tế của xã. Vượt qua mọi khó khăn, gian khó người dân Lâm San không ngừng học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất .

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chất lượng hạt tiêu ngày càng được quan tâm, nhất là khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật... thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm tra rất khắt khe. Dù hạt tiêu Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường Nhật được vài nghìn tấn mỗi năm, nhưng kim ngạch vẫn chưa tăng được như kỳ vọng. Chất lượng hồ tiêu không đồng đều và chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã làm kìm hãm khả năng gia tăng thị phần tại các thị trường có giá cả hấp dẫn và ổn định này.

Với giá hồ tiêu như hiện nay, diện tích hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đây cũng chính là mối nguy tiềm ẩn khi nhà vườn chưa kiểm soát được dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Để hạn chế dịch hại cũng như đảm bảo năng suất chất lượng hồ tiêu cần áp dụng đúng qui trình canh tác cây hồ tiêu. 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đặt ra không chỉ đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu mà còn đối với các nhà vườn sản xuất. Sản xuất hồ tiêu còn theo hướng nhỏ lẻ, nhà vườn sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm là chính, còn sử dụng nhiều thuốc hóa học nên có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Để sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng và ATTP thì phải kiểm soát từ khâu sản xuất đến khâu chế biến. 

Trong thời gian qua một số công ty có uy tín trên thị trường (Công ty TNHH KSS Việt Nam, công ty TNHH gia vị Nedspice, công ty TNHH Olam, công ty Cổ phần chuỗi cung ứng bền vững) đã bước đầu thu mua hạt hồ tiêu trực tiếp của nhà vườn, tuy nhiên sản lượng chưa nhiều do nhiều nhà vườn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm, đặc biệt nhiều mẫu phân tích có dư lượng thuốc BVTV. Để có thể liên kết bền vững với các công ty thu mua thì các nhà vườn phải đảm bảo sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trước yêu cầu của phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như để làm cơ sở cho việc mở rộng sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, chất lượng cao và an toàn thực phẩm thì việc xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội. Xuất phát từ thực tế đó, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP tại xã Lâm San- huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai” được thực hiện với sự phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, UBND huyện Cẩm Mỹ, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Cẩm Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ.

Với việc áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, sau gần 2 năm thực hiện dự án, vườn hồ tiêu của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh hại quan trọng, đặc biệt chưa có biểu hiện của bệnh chết nhanh. Trong năm 2014-2015, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết bất thường nên năng suất tiêu bình quân toàn huyện chỉ đạt 22,7 tạ/ha, tuy nhiên tại tổ hợp tác (THT) tiêu ấp 3 (xã Lâm San) nói chung và 7 hộ nông dân thực hiện chăm sóc tiêu theo quy trình Glogal GAP, năng suất tiêu trung bình đạt 50 – 60 tạ/ha nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật: sử dụng phân hữu cơ, tưới nước tự động... giúp cây tiêu ra hoa đúng thời điểm, hạn chế dịch bệnh. Dự kiến mùa vụ năm 2015-2016, năng suất có thể đạt từ 5- 8 tấn/ha.

Mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận Global GAP ở xã Lâm San là một minh chứng cho thấy nhà vườn trồng hồ tiêu Cẩm Mỹ đều có khả năng sản xuất hồ tiêu theo qui trình thực hành nông nghiệp Global GAP nếu các nhà vườn nhận thức rõ về tầm quan trọng của sản xuất theo Global GAP.

Để mọi người có thể hiểu rõ quá trình thực hiện mô hình Global GAP và giải pháp duy trì phát triển Global GAP, tôi sẽ trình bài những nội dung cơ bản của quy trình triển khai thực hiện mô hình hồ tiêu đạt chứng nhận Global GAP:

1. Điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất và chọn điểm mô hình

Để tiến hành triển khai các hoạt động sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP, bước đầu tiên cần phải điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất hồ tiêu. Lấy mẫu đất, nước phân tích đánh giá nguy cơ nhiễm bẩn sản phẩm. Nếu một số chỉ tiêu không đạt yêu cầu cần phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm đó có thể khắc phục được không, tìm ra nguyên nhân gây ra ô nhiễm từ đó có biện pháp khắc phục. Nếu các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép không thể khắc phục được chúng ta phải lấy mẫu sản phẩm phân tích chỉ tiêu đó. Nếu đạt thì vùng sản xuất này vẫn đủ điều kiện để sản xuất theo GAP. Tuy nhiên, cần phải phân tích định kỳ để đưa ra biện pháp khắc phục. 

Kết quả phân tích mẫu đất và nước của các hộ thực hiện mô hình tại Trung tâm đo lượng kỹ thuật 3 đều đạt yêu cầu của Global GAP.

Sau khi có kết quả phân tích mẫu đất mẫu nước và phiếu chọn điểm mô hình nhóm thực hiện đã chọn được 7 tổ viên Tổ hợp tác cây hồ tiêu ấp 3 Lâm San tham gia mô hình gồm: Võ Quốc Thiện, Phạm Xuân Chiên, Đinh Cao Hoàng, Lê Văn Xuyên, Phạm Văn Viễn, Nguyễn Văn Cường, Lê Dự

2. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật 

Các tổ viên trong Tổ hợp tác khi tham gia thực hiện mô hình GAP đã được Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ hướng dẫn: Xây dựng và áp dụng hệ thống thực hành Nông nghiệp tốt Global GAP, Tập huấn qui trình kỹ thuật canh tác hồ tiêu, tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, tập huấn sơ cấp cứu, tập huấn an toàn lao động; hiệu quả và an toàn trong việc sử dụng thuốc BVTV, tập huấn về ghi chép nhật ký sản xuất và xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Ngoài tập huấn cho các chủ hộ, Trung tâm còn tập huấn cho công nhân làm việc trong khu vực sản xuất về qui trình canh tác (bón phân, phun thuốc, tỉa cành, vệ sinh vườn, tưới tiêu và thu hoạch ), vệ sinh cá nhân và cách sơ cứu khi bị tai nạn lao động. 

3. Xây dựng hệ thống quản l‎ý Global GAP

Tập huấn cho ban điều hành Global GAP áp dụng đúng qui trình quản lý hệ thống chất lượng của Global GAP. Bao gồm quản lý hồ sơ, kiểm tra và giám sát các hoạt động sản xuất hồ tiêu của các tổ viên.

Trong nhóm tham gia mô hình bầu chọn người làm trưởng ban điều hành Global. Đây là người có khả năng quản lý và làm việc theo nhóm, có uy tín và nhiệt tình trong công việc.

4.Soạn thảo tài liệu, biểu mẫu:

Hướng dẫn Ban quản lý THT xây dựng hệ thống tài liệu, biểu mẫu phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn Global GAP và các quy định hiện hành của nhà nước. Xây dựng các thủ tục, biểu mẫu dành cho Hệ thống quản lý chất lượng.

- Hướng dẫn cán bộ chủ chốt của hệ thống quản lý chất lượng áp dụng hệ thống tài liệu; Lập và lưu trữ hồ sơ tại THT. 

5. Thống nhất qui trình sản xuất hồ tiêu và vẽ sơ đồ vườn sản xuất

Sau khi các nông hộ được tập huấn và tham quan chúng tôi tiến hành soạn thảo qui trình sản xuất hồ tiêu dựa vào tiêu chuẩn ngành và tình hình sản xuất thực tế của nhà vườn để nhà vườn áp dụng.

           Cán bộ tư vấn hướng dẫn nhà vườn vẽ sơ đồ vườn sản xuất thể hiện hệ thống sản xuất bao gồm số lô, tổng số cây/lô, chuồng trại, kho chứa hoặc các vị trí sản xuất khác. Đánh mã số vườn trồng cho từng tổ viên.

6. Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu của GAP

Cán bộ tư vấn đã hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho nhà vườn hoàn tất xây dựng cơ sở vật chất cần thiết theo yêu cầu của GAP như: kho phân bón, kho thuốc bảo vệ thực vật, kho để dụng cụ làm vườn, tủ thuốc y tế, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, hệ thống xử lý nguồn nước sinh hoạt, hố xử lý thuốc BVTV dư thừa, nơi xử lý bao bì thuốc và rác thải cho các mô hình sản xuất hồ tiêu. 

7. Hướng dẫn nhà vườn thực hiện đúng qui trình canh tác và ghi chép nhật ký sản xuất.

Hàng tháng Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả đã cử cán bộ kỹ thuật tư vấn hướng dẫn trực tiếp các nhà vườn áp dụng đúng qui trình canh tác hồ tiêu  theo tiêu chuẩn Global GAP. Mỗi nhà vườn đều có lịch chăm sóc vườn cụ thể, chỉ được sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV theo qui định của THT. Hướng dẫn nhà vườn cách nhận biết sâu bệnh hại sớm, triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây hồ tiêu để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn nhà vườn cách ghi chép nhật ký sản xuất, kiểm tra hồ sơ ghi chép hàng tuần và hướng dẫn biện pháp khắc phục. Hồ sơ ghi chép bao gồm:  Nhật ký đồng ruộng: Ghi chép lại các hoạt động diễn ra trên vườn hàng ngày, nhật ký mua phân bón, sử dụng và dự trữ phân bón, những khuyến cáo sử dụng phân bón, nhật ký mua thuốc, sử dụng và dự trữ thuốc bảo vệ thực vật, kế hoạch phun thuốc,  nhật ký thu hoạch: ngày thu hoạch, diện tích thu hoạch, sản lượng, người thu hoạch, người thu mua, sổ kiểm kê nhập và xuất phân bón, thuốc BVTV.

8. Phân tích mẫu đất, nước và hạt hồ tiêu

Trong thời gian triển khai hơn 1 năm, trên cơ sở các hộ trồng hồ tiêu đã áp dụng đúng qui trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ tư vấn. Nhóm nghiên cứu tiến hành hành lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu hạt hồ tiêu phân tích các nguy cơ gây ô nhiễm (Kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV) và chất lượng hạt hồ tiêu. Kết quả cho thấy các mẫu đất và mẫu nước đều đạt yêu cầu của GAP. Mẫu hạt tiêu không có kim loại nặng và dư lượng thuốc BVTV, chất lượng hồ tiêu (Dung trọng :610g/lít, hàm lượng piperin (độ cay): 5,2%; hàm lượng tinh dầu bay hơi: 3,2%) cao hơn các vùng trồng lân cận và so với yêu cầu của hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (IPC); tiêu chuẩn ASTA; ISO và ESA

9. Tiến hành kiểm tra và đánh giá nội bộ

Sau khi đã hoàn tất các nội dung theo yêu cầu của Global GAP, tháng 2/2015 nhóm tư vấn tiến hành kiểm tra, đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng của THT và các nông hộ sản xuất theo GAP.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ban quản lý THT và nông hộ khắc phục các điểm chưa phù hợp trong quá trình thanh tra và đánh giá nội bộ. Xem xét  lại chi tiết toàn bộ tài liệu, hồ sơ quản lý; hướng dẫn chính sửa, bổ sung.

10. Hướng dẫn THT Lập hồ sơ đăng ký chứng nhận và lập hồ sơ khắc phục

  Hướng dẫn lựa chọn tổ chức chứng nhận Global GAP từ các Tổ chức chứng nhận Global GAP đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay; Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký chứng nhận Global GAP.

Hướng dẫn Ban quản lý THT chủ nông hộ, công nhân làm việc với chuyên gia đánh giá trong quá trình đánh giá chứng nhận: Huấn luyện cách trả lời phỏng vấn của chuyên gia đánh giá;  Huấn luyện sắp xếp, kiểm tra tài liệu, hồ sơ lưu trữ để chứng minh quá trình quản lý sản xuất và kinh doanh đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn Global GAP. Hướng dẫn thực hiện hành động khắc phục và lập báo cáo hành động khắc phục:  Hướng dẫn ban quản lý THT, chủ nông hộ, công nhân nhà đóng gói thực hiện hành động khắc phục;  Hướng dẫn Ban quản lý THT lập báo cáo hành động khắc phục.

11. Thuê tổ chức chứng nhận độc lập

Vào ngày 20-21/4/2015, tổ chức chứng nhận quốc tế BUREAU VERITAS CERTIFICATION (BVC) đã tiến hành kiểm tra đánh giá hệ thống thực hành nông nghiệp tốt cho THT cây hồ tiêu ấp 3 Lâm San với 7 tổ viên. Kết quả cả 7 vườn của các hộ tham gia mô hình đều đạt chuẩn Global GAP. Tổ chức BVC đã cấp giấy chứng nhận Global GAP cho THT hồ tiêu ấp 3 Lâm San.

 tiêu.jpg

 

Sau khi đạt chứng nhận Global GAP, các nhà vườn trong mô hình đã bán được sản phẩm hồ tiêu cho công ty TNHH KSS của Nhật Bản, giá bán cao hơn giá thị trường 16.500.000đ/kg. Đây là một trong những công ty thu mua hạt tiêu đòi hỏi yêu cầu sản phẩm rất cao. Hàng năm công ty này đã phải thu mua khoảng 90% sản lượng hồ tiêu ở nước ngoài, chỉ có 10% thu mua ở Việt Nam mặc dù công ty chế biến tại Việt Nam, trước khi thu mua công ty sẽ lấy mẫu hạt tiêu mang phân tích ở Nhật Bản. Đây là một trong những công ty uy tín nhất trên thị trường trong và ngoài nước.

* Giải pháp để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình Global GAP: 

Cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc động viên khuyến khích cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các hộ tham gia mô hình Global GAP gặp phải như hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Kho phân bón, thuốc BVTV, kho dụng cụ, nhà vệ sinh, nơi xử lý thuốc BVTV, chi phí tập huấn, phân tích mẫu đất, nước, quả và chi phí chứng nhận Global GAP để sản phẩm hồ tiêu Cẩm Mỹ đạt chất lượng cao, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cẩm Mỹ nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Để tái chứng nhận Global GAP các tổ viên tiếp tục thực hiện đúng qui trình canh tác và ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và áp dụng đúng qui trình canh tác, hỗ trợ nhà vườn trong việc đánh giá kiểm tra nội bộ, có thể kết hợp tái chứng nhận 7 vườn này cùng với việc chứng nhận GAP của những vườn mới áp dụng Global GAP.

Phòng nông nghiệp huyện tiếp tục hướng dẫn và giám sát ban quản lý GAP của THT điều hành tốt công tác tổ chức hệ thống quản lí chất lượng của GAP. Mỗi quý, THT nên tổ chức họp 1-2 lần, thông qua đó cán bộ và xã viên tham gia mô hình trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Mỗi THT phải có bộ phận theo dõi, quản lý quá trình thực hiện các khâu công việc của xã viên. Cần có sự hỗ trợ cán bộ kỹ thuật chuyên trách, hiểu biết về Global GAP của huyện, tỉnh để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện Global GAP của nhà vườn. Cần áp dụng đúng quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh thối rễ vàng lá thống nhất cho mọi thành viên trong vùng sản xuất.

Cần tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào hệ thống sản xuất GAP vì  đa phần nông dân chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ quy trình, mục đích áp dụng Global GAP. Bên cạnh đó Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ  cần tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn trong việc đánh giá và kiểm tra nội bộ qui trình sản xuất theo Global GAP.

Cần quảng bá, tiếp thị sản phẩm “hồ tiêu Cẩm Mỹ” đạt chuẩn Global GAP. Liên kết chặt chẽ với các công ty thu mua có uy tín trên thị trường nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm đạt chứng nhận Global GAP sẽ là đòn bẩy kinh tế kích thích nhà vườn trồng hồ tiêu trên toàn huyện sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Liên kết chặt chẽ với các công ty thu mua chế biến có uy tín trên thị trường nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm đạt chứng nhận Global GAP.

Lời kết:

Hoạt động KH&CN tại huyện Cẩm Mỹ có nhiều chuyển biến tích cực theo xu thế đổi mới, năng động, sáng tạo, đáp ứng kịp thời các nhu cầu bức xúc của thực tiễn sản xuất và đời sống, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN hàng năm phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện mình và theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ ; chọn lựa các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao để áp dụng vào quản lý, sản xuất và đời sống. Sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, và các Sở, ngành chức năng của tỉnh nên hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực so với các năm trước. Song song các đề tài, dự án được triển khai, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và gia nhập nền kinh tế thới giới. Huyện cũng rất quan tâm và thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo hội nghị tuyên truyền văn bản quy phạm phát luật, các chương trình Hội thi, các phong trào ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, học tập của học sinh, chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập….

Mô hình sản xuất hồ tiêu là một minh chứng cho thấy nhà vườn trồng hồ tiêu Cẩm Mỹ đều có khả năng sản xuất hồ tiêu theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP nếu được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền và nhà quản lý. 

Việc thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GAP không khó, vì phần lớn những công việc này nông dân đã và đang thực hiện. Cái khó là làm thế nào để người nông dân ý thức được sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người lao động, bảo vệ môi trường và thực hiện việc ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất.

Tổ họp tác cây hồ tiêu ấp 3 Lâm San đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Global GAP, đây là đơn vị đầu tiên ở phía Nam được cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu cho cây hồ tiêu. 

Mô hình trồng tiêu sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Lâm San bước đầu mang lại hiệu kinh tế cao. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ tổ chức hướng dẫn nông dân sản xuất tiêu theo quy trình GlobalGAP, qua đó mở rộng diện tích, hướng đến việc sản xuất tiêu sạch trên diện tích lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu cho cây tiêu, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tiêu sạch.

Kim Phương

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.