Trong bối cảnh thúc đẩy
xây dựng Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số
và xã hội số, việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, dịch vụ công
trực tuyến hay các thủ tục hành chính liên thông... đã được xác định là một
giải pháp quan trọng và mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân cũng như
doanh nghiệp.
Chữ ký số được hiểu đơn
giản là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bởi công nghệ mã hóa công khai. Đối
với doanh nghiệp, chữ ký số có vai trò tương tự với chữ ký tay và các con dấu.
Đối với cá nhân, cữ ký số được xem như chữ ký của mỗi cá nhân được dùng với mục
đích xác thực danh tính người sử dụng. Việc sử dụng chữ ký số là một hoạt động
có ý nghĩa quan trọng, giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch
vụ công và thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đồng thời đảm
bảo tính pháp lý trong giao dịch dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch khác
như: Giao dịch tài chính, kê khai thuế, ký kết hợp đồng... một cách dễ dàng
trên môi trường điện tử được pháp luật công nhận, từ đó sớm hoàn thiện các điều
kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh.
Ngày 31/3/2022, Thủ
tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 411/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia
phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong
đó, mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng chữ ký số cá nhân,
đến năm 2030 đạt trên 70%. Để thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp
chính quyền và các ngành chức năng đẩy mạnh phổ cập chữ ký số cá nhân cho người
dân. Các sở, ban, ngành và địa phương đã cùng đồng hành để triển khai các
chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp; khuyến khích mỗi người
dân trong độ tuổi trưởng thành đều có danh tính số, tài khoản số, chữ ký số; hỗ
trợ triển khai đào tạo, tập huấn về chữ ký số cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh
cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử và các dịch vụ phục vụ doanh
nghiệp như: Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chứng từ điện
tử, chứng khoán điện tử, thương mại điện tử...
Sở Thông tin và Truyền
thông là một trong số những đơn vị chính triển khai và tuyên truyền giúp người
dân tiếp cận chữ ký số một cách nhanh chóng. Sở đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp
tác với 7 đơn vị doanh nghiệp cung cấp chữ ký số công cộng là VNPT, Viettel,
FPT, Misa, Mobifone, BKAV, Namcencom. Hiện các đơn vị này đã và đang tuyên
truyền bằng nhiều cách thức khác nhau để người dân biết đến rộng rãi hơn về
tiện ích của chữ ký số, từ đó giúp nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính
qua dịch vụ công trực tuyến an toàn và hiệu quả. Các đơn vị hầu hết đều bố trí
các cán bộ và chuyên viên trực tiếp đến tận thôn, bản để hướng dẫn, cài đặt chữ
ký số cho người dân. Đơn cử như VNPT Thanh Hóa đã phối hợp cùng bộ phận nhân sự
trực thuộc cấp huyện, xã, thôn, bản tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động
tư vấn, giới thiệu về những tiện ích khi sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa VNPT
SmartCA. Trong đó nêu rõ lợi ích nổi bật nhất của dịch vụ này là giúp người
dùng thực hiện việc xác thực chữ ký mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị có kết
nối internet. Hiện, VNPT đang có ưu đãi miễn phí sử dụng 12 tháng cho người dân
khi đăng ký dịch vụ VNPT SmartCA tại tất cả hệ thống điểm giao dịch, cửa hàng
của VNPT VinaPhone trên địa bàn tỉnh.
Cẩm Hằng