1. HIV
có thể lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?
HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai,
trong khi sinh con và trong quá trình cho con bú. Trong tất cả các giai đoạn
này, nếu người mẹ biết rõ tình trạng nhiễm HIV của mình sẽ có thể được tư vấn,
hỗ trợ, chăm sóc và điều trị kịp thời để giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV
sang con.
Nếu người mẹ không biết rõ về tình trạng HIV của mình khi
mang thai sẽ có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con và bỏ lỡ cơ hội nhận
được sự hỗ trợ cần thiết.
2. Tại sao nên xét nghiệm
HIV khi có thai?
- Nếu bạn đã có thai hoặc dự định có thai, bạn nên cân nhắc
để làm xét nghiệm HIV, vẫn có những biện pháp làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho
con bạn.
- Đứa trẻ có nguy cơ bị nhiễm HIV cao nhất khi người mẹ mới
bị nhiễm HIV trong vòng 3 tháng hoặc khi mẹ đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
- Nguy cơ lây nhiễm HIV của bé cũng tăng lên nếu chồng hoặc
bạn trai của bạn bị nhiễm HIV và vẫn tiếp tục quan hệ tình dục với bạn trong thời
kỳ mang thai mà không dùng bao cao su. Bạn nên thỏa thuận để chồng hoặc bạn
trai của bạn cũng làm xét nghiệm.
Tất cả phụ nữ mang thai đều cần được tư vấn và xét nghiệm
HIV như một xét nghiệm cơ bản trong thời kỳ mang thai.
3. Khả năng bào thai bị nhiễm
HIV phụ thuộc vào:
- Số lượng vi rút có trong máu của người mẹ.
- Tình trạng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của người mẹ.
- Người mẹ có mắc các bệnh nhiễm trùng khác trong khi
mang thai hay không, kể cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
4. Các cách để bảo vệ con bạn:
Bạn có thể bảo vệ con mình trong từng giai đoạn, cụ thể
là:
*
Khi đang mang thai:
Nếu bạn biết là mình bị nhiễm HIV, bác sĩ có thể kê đơn
cho bạn điều trị bằng thuốc trong lúc mang thai để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu
khả năng lây truyền HIV cho con. Bạn cần phải dùng thuốc vào khoảng tháng thứ 7
(tuần thứ 28) của thai kỳ là tốt nhất.
*
Khi sinh nở:
Trong giai đoạn này, HIV có thể lây truyền từ mẹ nhiễm
HIV do em bé nuốt phải dịch âm đạo hoặc máu của mẹ từ những vết rách hoặc cắt
trong khi sinh hoặc các dịch tiết này cũng có thể thấm qua niêm mạc mắt, miệng…
của em bé khiến em bé bị nhiễm HIV từ mẹ.
Nếu bạn biết là mình bị nhiễm HIV, bạn có thể sẽ nhận được
những chăm sóc và điều trị cần thiết trong khi sinh con để giảm nguy cơ lây
truyền HIV cho con.
*
Khi cho con bú:
HIV cũng có thể truyền cho con qua sữa mẹ. nếu bạn đã nhiễm
HIV, cán bộ tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn cách nuôi con tốt nhất và phù hợp với bạn.
5. Nuôi con bằng sữa mẹ:
HIV có trong sữa mẹ, vì vậy cho con bú cũng có thể làm
cho con bị lây nhiễm. Do đó nên nuôi con bằng các loại sữa thay thế khác.
Nếu bạn vẫn quyết định cho con bú thì bạn phải cho bé bú
mẹ hoàn toàn trong 6 tháng (không được cho ăn kèm với sữa thay thế). Khi bé 6
tháng tuổi phải cai sữa ngay.
Kết hợp nuôi con bằng sữa mẹ với sữa bột sẽ làm tăng khả
năng nhiễm HIV cho con bạn vì ăn sữa ngoài sẽ làm cho niêm mạc miệng hay đường
tiêu hóa của đứa trẻ dễ bị tổn thương, vi rút HIV dễ dàng xâm nhập.
6. Liệu có phải tất cả những
người mẹ nhiễm HIV đều truyền bệnh cho con họ hay không?
Không đúng, chỉ 30% số trẻ có thể bị truyền HIV từ mẹ.
Nếu được uống thuốc điều trị dự phòng thì tỉ lệ lây truyền
giảm xuống dưới 5%.
Hãy đồng ý xét nghiệm HIV khi được bác
sĩ tư vấn để bảo vệ bản thân và bé yêu.
|
Người viết tin
Nguyễn Thị Cẩm Hằng
|