Tân Phú - Xã Nam Cát Tiên : noi-dung-tin Tân Phú - Xã Nam Cát Tiên
Chào mừng quý vị đến với website xã Nam Cát Tiên huyện Tân Phú
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Tấm gương nông dân sản xuất giỏi xã Nam Cát tiên Cập nhật06-12-2018 10:27
Trong những năm vừa qua, một số hộ dân trên địa bàn xã Nam Cát Tiên nhờ vào mô hình trồng Sầu riêng ( thái và Ri 6) mà đời sống kinh tế được cải thiện, mức thu nhập tăng lên đáng kể. Một trong những tấm gương nông dân điển hình đó là ông Đỗ Quang Trung hiện đang cư ngụ tại ấp 3 xã Nam Cát Tiên.
 

Chúng tôi gặp chú Trung đúng lúc chú đang tất bật chuẩn bị vụ làm trái sầu riêng, vì giờ là tháng 10, mùa ra hoa sầu riêng ở miền Đông nam bộ. Khi biết chúng tôi đến thăm và tìm hiểu, chú Trung vui vẻ dẫn đi tham quan khu vườn của mình rộng gần chục ha. Chúng tôi ngỡ ngàng giống bước vào một rừng cây rộng lớn mà nếu không có người dẫn đường, chúng tôi chắc sẽ bị lạc. Những cây sầu riêng to lớn,  tán xòe rộng, lá xanh miết, làm chúng tôi tán phục trước sự chăm sóc của người trồng. Từng cây được đắp thành bồn cao, mỗi cây cách nhau 5m được người chồng chăm sóc kỹ càng.

IMG_0352.jpg
Chú Trung với vườn sầu riêng

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, năm 18 tuổi lên đường nhập ngũ Nam tiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, chú quyết định ở lại lập nghiệp trên mảnh đất thuộc quân đoàn 600 nay là xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Lúc đầu lập nghiệp, chú trồng rất nhiều loại cây từ tiêu, xoài đến cà phê, cam, quýt, ca cao…nhưng đều không mạng lại hiệu quả kinh tế nhiều. Một phần vì chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, một phần do điều kiện đất đai khí hậu không phù hợp khiến nhiều loại cây như ca cao không thể phát huy hết năng suất. Nhiều lần thất bại trong việc định hình cây ăn trái khiến kinh tế gia đình rơi vào cảnh lao đao.

Sau đó năm 2012, chú trồng thử một mẫu sầu riêng và thấy sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và phù hợp với điều kiện đất đai trong khu vực. Cây giống khi trồng xuống năm thứ tư là có thể làm trái. Thời gian đầu khi mới trồng, do chưa có kinh nghiệm nên ông để cây ra trái tự nhiên theo mùa, năm nào cứ đến mùa thu hoạch thì giá ở mức thấp nên lợi nhuận không cao. Do vậy, chú đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng ở các địa phương khác, bên cạnh đó, ông còn tham gia vào các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc sầu riêng. Cứ ngày qua ngày, vườn sầu riêng của chú lớn dần và cho trái. Gía bán trung bình của sầu riêng lúc đó là khoảng 70-90.000đ/Kg. Như vậy, một mẫu sầu riêng sẽ đem lại lợi nhuận gấp 2 đến 3 lần một mẫu ca cao lúc đó. Xét thấy hiệu quả kinh tế mà sầu riêng đem lại như vậy, chú Trung đã quyết định nhân giống ra gần toàn bộ vườn. Đến nay, diện tích sầu riêng của chú khoảng 10 ha. Là một trong những hộ có diện tích sầu riêng lớn nhất xã.

IMG_0346.jpg
Từng cây trong vườn đều được lắp béc tưới tự động

Dẫn chúng tối đi thăm vuờn, chú Trung giới thiệu về 2 loại sầu riêng chú trồng chủ yếu  trong vườn là sầu riêng thái và Ri 6. Loại sầu riêng thái vỏ mỏng, cơm vàng có vị ngọt xen chút vị chua. Còn loại Ri 6 cho quả to, vỏ dầy cho cơm vàng và vị bùi. Sầu riêng thái  có giá mắc hơn và thường được xuất khẩu ra nước ngoài. Chú tâm sự: sầu riêng nom vậy chứ rất là khó trồng, đặc biệt là công đoạn ra quả. Có rất nhiều hộ trồng sầu riêng, nhưng khi đến mùa thì cây lại cho trái không được bao nhiêu. Có hộ thì chỉ được vài ba trái. Sầu riêng rất hay bị nấm và sâu đục thân. Nếu hai loại bệnh này không phát hiện sớm thì cây rất là khó cứu vì vậy đòi hỏi người trồng cây phải thường xuyên kiểm tra tỉ mỉ từng cây một. Nếu phát hiện là phải trị bệnh ngay lập tức.


Vườn sầu riêng nhà chú được bao bọc bởi một hệ thống mương lớn và nhiều mương nhỏ. Chú Trung nói: sầu riêng là một loại cây kị nước nhất là vào mùa chăm trái. Nếu lượng nước quá nhiều thì quả non sẽ bị rụng, trái lớn thì bị sượng, còn quá ít nước trái sẽ không được căng và méo mó. Vì vậy, sầu riêng phải được tưới một lượng nước nhất định, không được nhiều quá cũng không được ít quá. Người nông dân không nên tưới bằng vòi, mà nên sự dụng hệ thống tưới phun tự động.Tùy vào độ lớn của cây là sử dụng từng loại béc tưới cây khác nhau. Tuy vốn đầu tư ban đầu cho một hệ thống tưới tự động sẽ rất cao, nhưng càng về sau hệ thống đó rất cần thiết và phát huy rất nhiều tác dụng. Giup người nông kiểm soát dễ dàng về lượng nước đồng thời cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí về công tưới. Nếu như ngày trước phải cần tới cả chục người tưới bằng tay mà hiệu quả không đáng kể nay chỉ cần một người mà có thể tưới cho cả vườn trong vòng một buổi sáng. Vừa tiết kiệm nhân công vừa đảm bảo cây ướt đều. Hiệu quả rõ rệt… Chú còn cho biết: "Vào mùa mưa cây sầu riêng ra đọt non thường xuyên, lúc đó đậy gốc bằng nilon không cho nước mưa thấm vào gốc, cây sẽ không ra đọt non được thì sẽ ra hoa. Nhưng phải bón phân vào gốc, xịt phân bón lá và chăm sóc làm cho cây "sung" lên từ vài tháng trước. Chẳng hạn muốn có trái để bán vào tháng hai âm lịch thì phải xử lý từ tháng 4 đến tháng 9. Khó nhất là không để cho cây ra đọt, trong khi cây được chăm sóc tốt thì sẽ ra đọt non. Vì vậy phải đậy cho cây khô gốc và xịt phân kali vào đọt cho chai sần không ra được".

 Ngoài ra, chú Trung còn chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch: "Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, chúng ta cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng": Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, chia làm 3 đợt bón tuỳ theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương cho rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất".

IMG_0350.jpg
Để cây có được nhiều trái đó là sự chăm soc tỉ mỉ chuyên cần của người nông dân

Điều chú trăn trở nhất hiện là việc làm sao để trồng được sầu riêng sạch và có thương hiệu của vùng, bởi vì nhu cầu của con người ngày càng một tăng lên nếu không đáp ứng được sẽ bị thị trường loại bỏ. Nếu sản xuất được sầu riêng sạch chắc chắn giá bán sẽ cao hơi, người tiêu dùng sẽ chuộm hơn và xuất khẩu dễ dàng. Vậy nên chú luôn tìm tòi cách thức để hạn chế nhất việc sử dụng thuốc chế phẩm hóa học, thay vào đó là các biện pháp sinh học. Và gọi các hộ nông dân trong vùng cùng liên kết sản xuất sầu riêng sạch.

 

Hiện nay, ở tuổi 61 với hơn 1000 gốc sầu riêng, 1 năm thu hoạch năm 2018 vừa qua đem lại  5 tỉ đồng cho gia đình ông. Ngoài ra, chú còn trồng thêm 500 gốc na thái đem về cho ông 1 năm khoảng 50 triệu. Chú cho biết: “Phải trãi qua nhiều khó khăn vất vả mới có cuộc sống như ngày nay, tôi rất hiểu giá trị của lao động, mình phải siêng năng chịu khó, học hỏi và biết tiết kiệm làm ăn và quan trọng nhất là không được bỏ cuộc…đồng thời trong quá trình sản xuất phải tích lũy kinh nghiệm và áp dụng cái mới, cái hay mang lại năng suất, chất lượng cao...”

DSC04127.JPG

DSC04123.JPG

Kiểm tra từng cây để phát hiện sâu bệnh hại

Ngoài việc phấn đấu lo kinh tế gia đình, Chú cũng không quên việc giáo dục con cháu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như của chính quyền địa phương; dạy dỗ con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thân mật gần gũi với láng giềng. Hằng tháng, rất nhiều cá nhân, tập thể, nhà báo về vườn của chú để học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp thu cách chăm cây. Chú rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho những hộ nông dân khác hy vọng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương như gia đình Chú. Không những làm kinh tế cho mình ông con giúp đỡ một số gia đình hội viên cây con giống, vốn và kỹ thuật trồng trọt trị giá 30-50 triệu, tạo công ăn việc làm 7-10 lao động, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp

         

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, nông dân Đỗ Quang Trung xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Nam Cát Tiên và câu chuyện vượt khó của Ông Trung là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “ông Trung là cá nhân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của vùng. Với những gì chú đã làm được, chú xứng đáng là tấm gương sáng cho nghị lực vươn lên không biết bỏ cuộc để những nông dân khác học tập theo”.

 

Quang Cường

 
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.