Tận dụng nguồn nguyên liệu nông nghiệp có sẵn để khởi nghiệp là lựa chọn của nhiều người
Theo
chị Ánh Linh, chúng tôi tự tin với dòng sản phẩm tinh dầu nghệ này vì đây là sản
phẩm được sản xuất nhờ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành kết hợp
với máy móc tiên tiến điển hình như thiết bị chưng cất tinh dầu. Ngoài mục đích
kinh doanh, phát triển thị trường, chúng tôi rất mong muốn được góp phần công sức
vào công tác bảo vệ môi trường.
Phế
phẩm trong nhiều ngành sản xuất nông nghiệp nếu không được xử lý không chỉ gây
lãng phí mà còn là chất thải có hại cho môi trường. Do vậy, nhiều dự án khởi
nghiệp hiện nay muốn tận dụng nguồn phế thải này để tạo thành sản phẩm có lợi
cho cuộc sống, lại góp phần bảo vệ môi trường. Được tham quan quá trình sản xuất
tinh bột nghệ tại một số địa phương tại Đồng Nai, nhóm tác giả Nguyễn Hồng Ánh
Linh, Phạm Thị Thanh Trang, Trần Thanh Đại, Quách An Bình và Trần Văn Khánh nhận
thấy, có quá nhiều phế phẩm trong quá trình sản xuất tinh bột nghệ bị lãng phí
và gây ô nhiễm môi trường. Nhóm tác giả thử nghiệm trong mẫu phế phẩm cho thấy,
lượng tinh dầu có giá trị đối với sức khỏe con người rất nhiều nên nảy ra ý tưởng
chiết xuất tinh dầu từ nguồn phế phẩm này. Và nhóm bắt tay vào nghiên cứu quy
trình chiết xuất. Cho đến nay, sản phẩm của nhóm đã hoàn thiện và có mặt trên
thị trường với tên gọi “Tinh dầu nghệ Khánh Thiện”. “Qua nghiên cứu tài liệu
khoa học chúng tôi nhận thấy, tinh dầu nghệ có chứa ít nhất là
20 chất có tác dụng kháng sinh, 14 chất ngăn ngừa ung thư, 12 chất chống lại
các khối u, 12 chất chống viêm và ít nhất là 10 chất chống oxy hóa. Cùng với
các chất trên thì nghệ cũng mang đến các loại vitamin tăng cường sức khỏe và
các alkaloids (hợp chất hữu cơ ). Một số công dụng của tinh dầu nghệ: Giúp chống
viêm, kháng khuẩn, giúp vết thương mau liền sẹo; làm đẹp hiệu quả bởi khả năng
chống oxy hóa mạnh, ngăn ngừa sự lão hóa nhanh chóng, đem đến cho người dùng một
làn da mịn màng, tươi trẻ dài lâu; Giảm nám, tăng cường đào thải tế bào da nhiễm
sắc tố sinh ra nám và ngăn cản tác hại từ tia UV, giúp da trắng hơn và mờ nhanh
vết nám; chống oxy hóa tế bào da, giữ vững cấu trúc collagen giúp da săn chắc,
giảm các nếp nhăn nhất là ở đuôi mắt; ngăn rụng tóc, nuôi dưỡng chân tóc giúp mọc
nhanh, sợi bóng đẹp, giảm khô gãy, chống ung thư đại tràng, …” – Anh Trần Văn
Khánh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Cũng với ý tưởng khởi nghiệp thân
thiện với môi trường sống, anh Nguyễn Quốc Thành (P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa)
hiện rất thành công với dòng sản phẩm làm từ cây tre: Sáo và ống hút. Sản phẩm
của anh Thành không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị
trường nước ngoài.
Vốn là dân
kỹ thuật, làm việc ở doanh nghiệp tại Bình Dương lâu năm, thế nhưng anh Trần
Hữu Kim Trọng, (ngụ tại Khu phố 2, phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa) lại rất đam mê
nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp. Qua tìm hiểu tài liệu được biết
người trồng nấm hiện nay còn nhiều nơi vẫn chưa biết tận dụng nguồn phế liệu từ
sản xuất nấm để tái sản xuất, vừa tiết kiệm, vừa giảm thải môi trường. Vậy là bỏ
lại tất cả bằng cấp, công việc, anh Trọng quyết tâm khởi nghiệp với nấm.
Anh Trọng cho biết, một lần
tình cờ đọc báo, mình biết được, người dân sau khi trồng nấm bào ngư xong thì lấy
phôi thải trồng nấm rơm, sau quá trình sản xuất nấm rơm lại lấy lấy mùn đó đi
bón cây…chỉ một vòng gieo - trồng - thu hoạch mà cho ra được một quy trình sản
xuất toàn có lợi, thấy hay quá nên mình bắt tay vào tìm hiểu, tìm hiểu sâu thì
biết thêm trong nấm có quá nhiều chất dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, từ
đó không chỉ tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu, mình còn cất công lên tận Củ Chi
để học hỏi người dân làm nấm, tìm hiểu lâu dài thì biết thêm được nhiều loại nấm
có giá trị bên cạnh những dòng nấm quen thuộc mà mình quen được thưởng thức.
Càng tìm hiểu, mình càng bị mê hoặc bởi nấm, vậy là bắt tay vào làm thôi.
Theo anh Trọng, hiện nhiều
người dân cũng như cơ sở trồng có nhu cầu rất lớn về phôi nấm, đặc biệt các loại
nấm thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho bữa ăn gia đình, chính vì vậy
anh Trọng tìm hiểu và bắt tay vào nghề sản xuất phôi nấm. Bên cạnh các dòng nấm
quen thuộc trên thị trường hiện nay, anh cũng chịu khó tìm hiểu thêm nhiều giống
nấm mới để đưa vào sản xuất phôi như: bào ngư, sò Thái, milky, chân dài… Sau nửa
năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất phôi nấm của anh trọng hiện có lượng khách
tương đối ổn định, giao dịch trên hầu hết các kênh bán hàng: qua điện thoại,
mua trực tiết hoặc bán online qua shopee, lazada, facebook…Trên diện tích nhà
xưởng khoảng 100 m2 và nhà ủ khoảng 20 m2, hàng tháng,
anh Trọng cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 đến 2.000 phôi nấm các loại. Hiện
anh tiếp tục mở rộng xưởng để cung cấp cho số lượng đơn đặt hàng ngày một tăng.
Thanh Hải