Thống Nhất - Xã Lộ 25 : Nội dung - Nông thôn mới Thống Nhất - Xã Lộ 25
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái vườn theo hướng bền vững Cập nhật29-07-2020 08:45
Đồng Nai là địa phương có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng cả nước như: bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), chôm chôm Long Khánh, mận An Phước (Long Thành), sầu riêng Phú Lộc (huyện Tân Phú)….Đây được xem là thế mạnh để các nhà vườn tổ chức, xây dựng các mô hình kết hợp phát triển du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững.

Du khách thăm quan mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh.

Tại xã Bình Lộc, TP. Long Khánh, nơi đang triển khai khá nhiều mô hình điểm về sự liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái vườn. Với vườn cây rộng 2 ha được đầu tư nhiều tiểu cảnh, chỗ nghỉ chân cho du khách, vườn cây ăn trái của gia đình bà Lê Thị Mỹ Lệ luôn thu hút đông đảo du khách, có ngày hơn 400 khách đến tham quan. "Gia đình tôi bắt đầu tham gia kinh doanh du lịch nhà vườn được hai năm nay. Lúc đầu, chỉ làm đơn lẻ, sau đó liên kết với hai vườn trái cây liền kề để tạo sự phong phú, giúp du khách thưởng thức nhiều loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt", bà Lệ chia sẻ.

Theo UBND xã Bình Lộc, trước đây, khi vào vụ trái cây từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, toàn xã chỉ có khoảng vài hộ tổ chức đón khách du lịch tham quan tự phát, đến nay đã có gần 100 nhà vườn tham gia. Xã đã hình thành chuỗi liên kết du lịch vườn với tổng diện tích khoảng 200 ha; có tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn cây để cùng phát triển.

Hiện, hầu hết các xã, phường ở TP Long Khánh (Ðồng Nai) đều có hộ tham gia mô hình du lịch sinh thái vườn. Ngoài phục vụ trái cây tại vườn, các điểm du lịch sinh thái vườn còn phục vụ thêm các dịch vụ vui chơi, ăn uống.

Tại huyện Long Thành, khi nhắc tới mô hình du lịch sinh thái vườn, rất nhiều du khách đều biết đến nhà vườn của chị Đỗ Thị Minh Thơm, ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Dù mới làm mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái được 3 năm nay, song nhờ biết thiết kế nhà vườn phù hợp, sản phẩm trái cây sạch – an toàn, nên cứ vào dịp hè dù chưa đến vụ trái cây chín, nhưng nhiều khách du lịch đến từ Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu…đã gọi điện đặt chỗ trước.

“Mô hình cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái vườn chủ yếu tập trung ở 2-3 tháng hè khi trái cây vào mùa chín rộ. Năm ngoái mình bán vé tham quan du lịch nhà vườn là 30.000 đồng/người, với lịch trình là thăm quan chụp hình nhà vườn và ăn chôm chôm tại vườn miễn phí. Ngoài ra, khách có thể đặt các món ăn đặc sản tại địa phương. Tuy nhiên, năm nay do giá cả các loại trái cây khá cao, nên có thể giá vé cũng phải tăng lên”, chị Thơm cho biết thêm.

Theo chị Thơm, vào cao điểm vụ trái cây, trung bình mỗi ngày, nhà vườn của chị đón tiếp khoảng 20-30 khách tham quan, đặc biệt vào các ngày thứ 7 và chủ nhật có thể đón hơn 100 khác mỗi ngày.

Để nhân rộng mô hình và phát triển theo hướng bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Lê Văn Thắng cho biết, địa phương đã chủ động tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia uy tín truyền đạt kiến thức về làm du lịch gắn với nông nghiệp, giúp người dân nhận biết rõ hơn nhiều mặt tích cực trong sự gắn kết này. Trong hai năm qua, có hơn 200 hộ đăng ký làm du lịch vườn. Chính quyền địa phương còn tổ chức các cuộc thi nhà vườn kiểu mẫu, lễ hội trái cây để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.


Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, các khu du lịch sinh thái vườn ở Long Khánh đã đón gần 100 nghìn lượt khách đến tham quan, thưởng thức các loại trái cây ngon. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái vườn ước đạt hơn 60 tỷ đồng. Nếu như sản xuất nông nghiệp thuần túy từ các vườn trái cây mỗi héc-ta chỉ được khoảng từ 58 triệu đồng/năm thì việc kết hợp du lịch vườn đã giúp tăng thu nhập cho nông dân lên khoảng 130 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ TP. Long Khánh, gần đây, một số huyện ở Ðồng Nai, như Tân Phú, Ðịnh Quán, Cẩm Mỹ, nông dân cũng chủ động gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch.

Tìm cách tháo gỡ khó khăn phát triển du lịch sinh thái vườn

Để mô hình du lịch sinh thái vườn phát triển một cách bền vững, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét tháo gỡ một số khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái vườn trong thời gian tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệnUBND tỉnh đang xem xét cụ thể các văn bản kiến nghị của một số địa phương, trong đó có TP.Long Khánh là địa phương xác định phát triển du lịch sinh thái vườn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với diện tích cây ăn trái chiếm trên 6,5 ngàn ha, Long Khánh là “thủ phủ trái cây miền Đông Nam bộ” nổi tiếng về chất lượng trái cây ngon. Trong đó, tổng diện tích các vườn cây ăn trái tham gia mô hình liên kết du lịch vườn khoảng 200 ha trồng xen canh các loại cây đặc trưng của địa phương như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, ổi, bưởi da xanh, mít...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, mô hình này còn gặp nhiều khó khăn vì thành phố chưa có quy hoạch vùng phát triển du lịch sinh thái vườn. Hầu hết diện tích đất được cải tạo làm du lịch sinh thái vườn đều thuộc quy hoạch đất nông nghiệp nên không được cấp phép xây dựng.

Do đó, nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn chưa đảm bảo các điều kiện khi đi vào hoạt động. Cụ thể, còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ đặc thù để phát triển du lịch. Đội ngũ làm du lịch vườn chủ yếu là các chủ nhà vườn, chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nên còn thiếu chuyên nghiệp.

T.Cảnh

 

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem