Thống Nhất - Xã Lộ 25 : Nội dung - Nông thôn mới Thống Nhất - Xã Lộ 25
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Chủ động phòng, chống nạn châu chấu sa mạc Cập nhật29-05-2020 02:32
Châu chấu sa mạc (có tên khoa học là Schitocera gregaria Forskal) là loài động vật không xương sống có khả năng di cư xa, sức phá hại lớn và rất khó kiểm soát. Để chủ động phòng, chống nạn châu chấu sa mạc, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai thông tin để người dân biết và phòng trừ.

Châu chấu sa mạc là loài sinh vật ăn tạp, gây hại rất lớn cho cây trồng.

Theo các nhà khoa học, châu chấu sa mạc là loài sinh vật ăn tạp, có thể ăn hầu hết các bộ phận cây trồng nằm trên mặt đất như hoa, lá, vỏ cây, trái cây, hạt giống và đỉnh sinh trưởng của cây trồng (chồi, ngọn) và có thể làm gẫy hỏng cây khi chúng đậu xuống cây với khối lượng lớn.

* Đặc điểm hình thái của châu chấu sa mạc

a) Trứng: Trứng châu chấu sa mạc có hình dạng giống như hạt gạo, màu nâu vàng, dài 7 - 8 mm và được sắp xếp theo bọc trứng như một nải chuối thu nhỏ. châu chấu sa mạc thường đẻ trứng thành từng bọc trong đất cát ẩm ở độ sâu khoảng từ 5 - 10 cm dưới bề mặt đất, các bọc trứng có chiều dài khoảng 50 - 85 mm và đường kính 7-10 mm.

b) Châu chấu non: Châu chấu non có 5 hoặc 6 tuổi, mới nở có màu trắng nhưng biến thành màu đen sau 1 - 2 giờ, đến tuổi 4 chuyển sang mầu nâu hoặc màu vàng rơm với các đốm đen dọc theo cơ thể. Hình dáng châu chấu non giống như châu chấu trưởng thành, nhưng mầu sắc nhạt hơn, không có cánh và thiếu cơ quan sinh sản.

c) Trưởng thành: Trưởng thành thân dài 45 - 60 mm; cơ thể có mầu nâu khi hoạt động ở dạng cá thể đơn độc, màu vàng rơm và đốm mầu đen khi hoạt động ở dạng bầy, đàn.

* Đặc điểm sinh học và sinh thái học của châu chấu sa mạc

a) Vòng đời của châu chấu sa mạc: Trứng (10-65 ngày); châu chấu non (24-95 ngày); trưởng thành 2,5-5 tháng.

Đặc tính và tập quán phá hại của châu chấu sa mạc

Đặc tính nguy hiểm: châu chấu sa mạc có hệ số sinh sản cao và khả năng nhân đàn nhanh chóng. Cá thể châu chấu trưởng thành có thể tiêu thụ lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể của nó (khoảng 02 gram); kích thước một đàn châu chấu sa mạc thường là 10 km2, một đàn châu chấu sa mạc cỡ nhỏ (khoảng 40 triệu con) sẽ tiêu thụ lượng thức ăn tương đương dành cho 35.000 người trong một ngày. Khi châu chấu sa mạc phát triển thành đàn chúng có thể di chuyển rất xa và nhanh để tìm kiếm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng, đặc biệt dưới tác động của gió, hoặc lốc xoáy. Khi số lượng quần thể thấp, chúng hoạt động như các cá thể (thời kỳ đơn độc); khi cao, chúng hoạt động như một khối thống nhất (thời kỳ sống thành đàn).

Đặc biệt, khi lượng mưa dồi dào, kéo dài trên diện rộng xảy ra ở một vài khu vực sinh sản kế tiếp và thảm thực vật xanh phát triển, châu chấu sa mạc có thể tăng nhanh chóng về số lượng trong một đến hai tháng, bắt đầu sống tập trung và hoạt động theo đàn. Sau đó, một đợt dịch châu chấu có thể phát triển. Sự bùng phát dịch châu chấu thường bắt đầu xuất hiện trong một khu vực có bán kính khoảng 5.000 km2. Trong thời kỳ dịch, châu chấu sa mạc có thể lây lan trên một diện tích khoảng 29 triệu km2.


* Biện pháp phòng, chống

a) Biện pháp thủ công

Áp dụng khi sự lan tràn của châu chấu là nhẹ, gồm các biện pháp như: đập châu chấu bằng các cành cây; rải rơm nơi châu chấu đậu và đốt; dùng ánh sáng hoặc gây tiếng ồn để ngăn chặn đàn châu chấu trưởng thành không đậu trên cây trồng; đào và tiêu diệt các ổ trứng của châu chấu trong đất (nhằm bảo vệ cây trồng khỏi sự lây lan và gây hại của châu chấu).

b) Biện pháp sinh học

Áp dụng khi sự lan tràn của châu chấu là nhẹ, gồm các biện pháp như: Sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae var acridum và nấm Beauvaria Basiana.

Sử dụng pheromone: có tác dụng giảm khả năng ăn cây trồng và di chuyển theo đàn của châu chấu, tăng côn trùng bắt mồi ăn thịt châu chấu và tăng tính nhạy cảm với thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, hiệu quả kiểm soát của những loại thuốc này trên thực tế vẫn chưa được chứng minh và không có sản phẩm thương mại.

Sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc: Các sản phẩm tự nhiên như chiết xuất từ cây Neem gây chán ăn, xua đuổi, ngăn cản châu chấu đẻ trứng, lột xác và làm giảm khả năng sinh sản.

c) Biện pháp hóa học

Khi đàn châu chấu mới xâm nhập: huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc BVTV hóa học (nếu áp lực gây hại cáo, ap dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước..) Cần khoanh vùng và phun trừ bằng thuốc hóa học khi châu chấu còn co cụm, đẻ trứng chưa phát tán rộng. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm châu chấu ít di chuyển. Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như Diflubenzuron, Fenitrothion, Deltamethrin, Esfenvalerate.

Hiện nay, một số nước trên thế giới áp dụng phổ biến hiện nay là sử dụng máy phun thuốc ULV (Ultra low volume spraying) để tổ chức phun không gian: phun dưới dạng mù lạnh, hạt siêu nhỏ. Phương pháp này đem lại hiệu quả phòng trừ cao và không gây lãng phí thuốc bảo vệ thực vật.

TS. Nguyễn Văn Liêm (viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho hay dịch châu chấu sa mạc nguy hiểm ở chỗ khi điều kiện thức ăn khan hiếm, chúng sẽ tạo thành một tập tính tập trung thành các đàn lớn để di chuyển, có thể bay xa 150km/ngày, và bay ở độ cao dưới 2.000m so với mực nước biển. Do đó, dịch châu chấu sa mạc là mối đe dọa rất lớn cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước

Lê Khôi (tổng hợp)

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
Tiếng Việt | English
tim kiem