Tất cả các xã : Tin trong nước - Nội dung Tất cả các xã
Tiếng Việt | English

 

liên kết website

 
 

Website trong Tỉnh ‭[2]‬

 
 

Website trong Tỉnh ‭[1]‬

 

 

Nội dung

 
TS. NGUYỄN THỊ HỒNG GẤM: Trầm hương từ cây dó bầu không thua kém trầm tự nhiên
“Những miếng trầm hương mang đi phân tích có mùi hương rất đặc trưng, không khác gì mùi thơm của trầm hương tự nhiên từ xa xưa vốn được coi là tinh hoa của đất trời”, TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trường ĐH Lâm Nghiệp cho hay.
Từ những trăn trở tạo ra sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe và giúp bà con có thêm sinh kế, gắn bó với rừng, TS Nguyễn Thị Hồng Gấm cùng nhóm nghiên cứu đã tạo được trầm hương từ chế phẩm sinh học trên cây dó bầu có giá trị không thua kém trầm tự nhiên.
Dồn tâm huyết tạo trầm hương từ chế phẩm sinh học
Trò chuyện với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về lý do thực hiện công trình “Nghiên cứu phát triển cây dó bầu tạo trầm hương sinh học tại Việt Nam”, TS Nguyễn Thị Hồng Gấm cho hay, xuất phát từ một cơ duyên. Có một công ty muốn nghiên cứu sản phẩm trầm hương sạch, tìm hiểu chị mới thấy, trên thị trường, rất nhiều sản phẩm trầm hương được tạo từ hóa chất gây ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của người sử dụng (phương pháp mà nhiều đơn vị tạo trầm đang sử dụng hiện nay chủ yếu là dùng hóa chất như H3PO4, H2SO4, thuốc diệt cỏ…). Đương nhiên, những sản phẩm trầm từ hóa chất cũng sẽ không thể dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
TS. Lê Thị Hồng Gấm và các sản phẩm từ trầm hương tại Triển lãm “Rừng và Biến đổi khí hậu” do Trường ĐHKHTN phối hợp Tây Ban Nha tổ chức. 
Cộng thêm một lý do cá nhân, năm 2018, chị trải qua mất mát lớn, bố chị qua đời sau 13 tháng phát hiện bệnh K thực quản. Trong quá trình chăm bố tại bệnh viện, tận mắt thấy nhiều ca bệnh hiểm nghèo, chị đã trăn trở rất nhiều với câu hỏi: Vì sao tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư ngày càng tăng? Vì sao Việt Nam là một nước có rất nhiều nguồn dược liệu tốt mà chưa được khai thác và chế biến thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe?...
Cùng với đó, khi chứng kiến những hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra cho bà con trên toàn quốc, chị đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để góp phần tạo sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn bó với rừng và gia tăng diện tích trồng rừng...
Sự cộng hưởng của tất cả những lý do trên, đã khiến chị bắt tay vào thực hiện một số nghiên cứu theo hướng ứng dụng tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Và đề tài nghiên cứu “Công nghệ tạo chế phẩm sinh học kích thích sinh trầm hương trên cây dó bầu” được bắt đầu vào tháng 7/2020.
“Mong muốn của tôi là tạo ra chế phẩm kích thích sinh trầm hương hiệu quả để gia tăng giá trị kinh tế cho người trồng rừng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái khỏi hóa chất độc hại”, chị Gấm chia sẻ.
TS. Hồng Gấm luôn mong muốn tạo ra trầm hương từ chế phẩm sinh học. 
Đặc tính của cây dó bầu là khả năng sinh tổng hợp nên các hợp chất tại các vùng tế bào bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu đã chọn ra được dòng nấm có khả năng kích thích tạo trầm hương, gồm: Penecillum, Aspergillus, Trichoderma, Fusarium solani và Mucor. Các chủng nấm này có khả năng sinh enzyme cellulase và pectinase ngoại bào tốt, nhóm nghiên cứu đã phân lập và tạo thành công chế phẩm sinh học có khả năng kích thích sinh trầm hương.
Từ vết thương tạo ra trên thân cây dó bầu từ 8-10 năm tuổi, chế phẩm sinh học được truyền vào cây. Sau khoảng 5 năm, giống như đối với trầm tự nhiên, sản phẩm trầm hương từ chế phẩm sinh học được tích tụ và hình thành.
“Khi mang đi phân tích, trầm hương từ chế phẩm sinh học có mùi hương đặc trưng, không khác gì mùi thơm của trầm hương tự nhiên. Điều đặc biệt, sản phẩm này hoàn toàn lành tính, các hóa chất trong trầm hương rất có ích cho sức khỏe con người”, chị Gấm chia sẻ.
Hành trình đến với đam mê
TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm (SN 1981 ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Chị là cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Kể về cơ duyên đến với lĩnh vực này, TS Gấm chia sẻ, ngày chị học cấp 2 và cấp 3 - vào những năm 1992-1999, khi mà mạng internet cũng như máy tính gần như chưa xuất hiện tại quê nhà, chị và các bạn chỉ biết đọc sách, báo ở thư viện trường. Những số báo đó thi thoảng có giới thiệu các nghiên cứu hay, công nghệ mới trên thế giới. Khi đọc, chị đã bị cuốn hút vào “những điều kỳ diệu” của khoa học.
“Tôi nhớ, một lần được đọc bài báo giới thiệu về công nghệ nhân giống cây lan trong bình nuôi cấy. Những mầm chồi xanh tươi và những cây con hoàn chỉnh trong bình thủy tinh khiến tôi mê mẩn. Tôi yêu thích ngành Công nghệ sinh học từ đó”, chị Gấm nhớ lại.
Tốt nghiệp cấp 3, khi nộp hồ sơ thi vào đại học, mẹ và thầy cô giáo ở trường cấp 3 hướng chị thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng chị nhất quyết chỉ chọn thi ngành Công nghệ sinh học của trường ĐH Khoa học Tự nhiên để theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình.
Mùa hè năm thứ 2, khi các bạn về quê, chị Gấm đã xin thầy giáo (GS.TS Nguyễn Quốc Khang) cho theo chân anh chị khóa trên để vào phòng thí nghiệm làm nghiên cứu khoa học. Từ đó cho hết năm thứ 3, chị đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Hóa sinh tại trường.
Đến hè năm thứ 3, chị sang Viện Công nghệ sinh học (CNSH) - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam để xin được thực tập tại phòng Công nghệ Hóa sinh (là 1 trong 5 phòng thí nghiệm trọng điểm của Viện CNSH thời điểm năm 2002).
Tại đây, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Lê Lan Oanh, cô sinh viên Gấm đã có cơ hội tham gia nghiên cứu một phần của đề tài cấp Nhà nước về đánh giá hoạt tính của một số hoạt chất trong cây Cúc gai và cây Chó đẻ răng cưa. Hơn một năm thực tập tại đây đã cho chị nhiều kỹ năng trong một môi trường nghiên cứu tốt với máy móc hiện đại, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô.
“Mỗi sáng, tôi đạp xe từ nhà trọ đến Viện CNSH làm thí nghiệm đến 11h30, rồi lại đạp xe sang Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ăn vội suất cơm đĩa hoặc bát bún để kịp 12h30 vào lớp học. Mỗi ngày tôi đi hơn 20km bằng xe đạp, nhưng chưa một lần bỏ học hay bỏ đến Viện nghiên cứu. Mọi mệt nhọc sớm qua đi khi thấy kết quả nghiên cứu mỗi ngày”, chị Gấm nhớ lại.
Tốt nghiệp Đại học với khóa luận điểm 10, những kết quả nghiên cứu mà chị Gấm tham gia thực hiện đã được xuất bản 03 bài báo khoa học đăng trong các Hội nghị toàn quốc và Hội nghị Quốc tế. Thời điểm đó, đây là một kết quả khá hiếm với sinh viên. Nó trở thành dấu mốc khiến chị được động viên và nỗ lực theo đuổi con đường nghiên cứu sau này.
Cuối năm 2004, chị nộp hồ sơ dự tuyển, trở thành giảng viên của Trường ĐH Lâm nghiệp ngành Công nghệ sinh học. “Như một cơ duyên trời định, tôi lại gắn bó với nghề trồng người – nghề mà mẹ và các thầy cô giáo của tôi đã mong tôi lựa chọn. Tôi nghĩ, đây là ‘nghề chọn mình’. Và để trở thành một giảng viên vững kiến thức, không còn con đường nào khác buộc tôi phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ”, chị Gấm chia sẻ.
Ngoài giờ lên lớp hay chuẩn bị bài, chị Gấm lại vào phòng thí nghiệm thực hiện các nghiên cứu. Từ năm 2007 trở đi, được nhà trường giao chủ trì thực hiện liên tiếp nhiều đề tài cấp cơ sở, kinh nghiệm nghiên cứu của chị ngày càng được đắp bồi nhiều hơn.
Chị cũng đã cùng các thầy cô, đồng nghiệp mở ngành Công nghệ sinh học và tuyển sinh, đào tạo cho đến nay đã được 20 khóa sinh viên. Ở vai trò giảng viên, chị hướng dẫn các sinh viên làm nghiên cứu khoa học, đạt được nhiều giải thưởng.

TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm là thư ký khoa học và thành viên chính thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Nghiên cứu tạo cây con Song mật (Calamus platyacanthus Warb. Ex Becc) bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro”, Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng loài Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) để làm dược liệu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Nghiên cứu tạo giống Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla) sinh trưởng nhanh bằng công nghệ chuyển gen...

Từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2017, chị làm Chủ nhiệm dự án nhánh thực hiện “Dự án SXTN: Phát triển một số loài lan bản địa có giá trị cao tại Sóc Sơn - Hà Nội”.

Hiện chị đã bắt tay vào thực hiện một số nghiên cứu theo hướng ứng dụng tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như chọn giống và nuôi trồng nấm dược liệu chất lượng tốt (nấm Lim, nấm Vân chi, Đông trùng hạ thảo, …). Ngoài đề tài về chế phẩm sinh học tạo trầm hương, chị đang chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen nấm Lim (Ganoderma lucidum (Leyss. Ex.Fr.) Karst) tạo sản phẩm OCOP”.

 
 

Thông báo

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
  •                               ...
ĐĂNG NHẬP