Rau mùi hay còn gọi là ngò, ngò rí, ngò suôn,
hồ tuy, mùi tui, mùi ta… Tên khoa học Coriandrum sativum L. Thuộc họ Hoa tán
Apiaceae.
Quả mùi- Fructus Coriandri, thường gọi nhầm là
hạt mùi, nhưng là quả chín phơi hay sấy khô của cây mùi. Quả mùi là một vị thuốc
được dùng trong Đông y và Tây y. Tây y dùng quả mùi làm thuốc trung tiện, làm
dễ tiêu, kích thích và giúp tiêu hóa...
1. Một số lợi ích sức
khỏe từ cây rau mùi
- Hạ đường huyết: Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy hạt rau mùi có thể giúp
kích thích tiết insulin và giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu đăng
trên Sciencedirect cho thấy, hạt mùi cải thiện quá trình
chuyển hóa carbohydrate và tăng tác dụng hạ đường huyết ở chuột.
Nếu bạn đang muốn cải thiện tình trạng đái tháo đường một
cách tự nhiên và giảm lượng đường trong máu, có thể cân nhắc việc
bổ sung nhiều rau mùi hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Lưu ý, những người có đường huyết thấp hoặc
đang dùng thuốc hạ đường huyết… hãy cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm từ cây
rau mùi.
Hạt
rau mùi và tinh dầu có tác dụng hạ đường huyết.
- Giảm khó chịu tiêu hóa: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hạt mùi có tác dụng làm thư
giãn các cơ tiêu hóa bị co thắt gây ra sự khó chịu của hội chứng ruột kích
thích (IBS) và các rối loạn
đường ruột khác.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp
chí Khoa học và Bệnh tiêu hóa, trên nhóm người mắc IBS, một chứng bệnh
tiêu hóa mạn tính, đã đánh giá tác động của việc dùng chế phẩm có chứa rau mùi
so với dùng giả dược. Sau 8 tuần, những người dùng chế phẩm rau mùi đã giảm
đáng kể mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất đau bụng và khó chịu; có ít mức
độ nghiêm trọng và tần suất đầy hơi hơn so với nhóm dùng giả dược.
- Giảm huyết áp: Đối với những người bị tăng huyết áp, tiêu thụ loại rau gia vị
này không chỉ giúp điều chỉnh tích cực hoạt động của ruột mà còn có tác dụng
lợi tiểu cho cơ thể. Điều này rất hữu ích cho những người bị huyết áp cao.
Khi giải quyết vấn đề huyết áp cao, bạn cũng
giảm nguy cơ mắc các tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm như cục máu đông và
đột quỵ.
- Chống ngộ độc thực phẩm: Một nghiên cứu trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực
phẩm cho thấy rau mùi có chứa dodecenal cao, giúp kháng khuẩn chống
lại vi khuẩn Salmonella, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Bằng cách thêm loại
gia vị này vào chế độ ăn uống của bạn, có thể giúp bảo vệ bản thân khỏi ngộ độc
thực phẩm khó chịu...
- Cải thiện mức cholesterol: Bằng cách kết hợp rau mùi vào chế độ ăn uống, có thể giúp giảm
mức cholesterol
xấu. Trong một thí nghiệm nghiên cứu trên động vật, lượng
cholesterol xấu (LDL) giảm đáng kể và gia tăng lượng cholesterol lành mạnh
(cholesterol HDL) đã được chứng minh ở những người được sử dụng hạt rau mùi.
- Giảm nhiễm trùng đường tiết niệu: Hạt rau mùi có thể hữu ích trong việc làm giảm
các triệu chứng nhiễm
trùng đường tiết niệu bằng cách chống lại vi khuẩn gây nhiễm
trùng tiểu ngay từ đầu. Đơn giản chỉ cần ngâm 1,5 muỗng cà phê hạt khô qua đêm
trong cốc nước. Lọc và uống như trà rau mùi, hoặc chỉ cần thêm vào sinh tố buổi
sáng của bạn, có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và đau liên quan đến nhiễm trùng
đường tiểu và giúp tăng tốc độ chữa lành tổng thể.
- Hỗ trợ kinh nguyệt khỏe mạnh: Hạt rau mùi có thể giúp hỗ trợ kinh nguyệt
khỏe mạnh bằng cách giúp điều chỉnh chức năng tuyến nội tiết thích hợp và các
hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, rau mùi có thể giúp điều trị
chứng rong kinh (chảy máu nhiều). Ngoài ra, rau mùi có thể giúp giảm đầy hơi,
chuột rút và đau trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Có thể ngăn ngừa bệnh tật và viêm thần
kinh: Các
bệnh thoái hóa thần kinh – bao gồm bệnh Alzheimer, Parkinson, bệnh đa xơ cứng,
khối u não và viêm màng não – có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính. Một
nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sinh học thần kinh phân tử cho thấy
chế độ ăn nhiều nghệ, hạt tiêu, đinh hương, gừng, tỏi, quế và rau mùi giúp ngăn
ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh.
Những thông tin này là các hướng nghiên cứu đã
được công bố. Tuy nhiên, từ nghiên cứu đến thực tế tác dụng chữa bệnh còn cần
phải rất nhiều thời gian và chứng minh. Nhưng dù sao, rau mùi vẫn là một thứ
rau gia vị làm món ăn của chúng ta thêm hấp dẫn và việc sử dụng với mục tiêu
làm tăng vị cũng rất tốt tạo khoái cảm tốt về ăn uống.
2. Cách sử dụng rau mùi
Nói chung, rau mùi hợp với rất nhiều món ăn
như cá, thịt cừu và gà tây; các món nhồi, đậu lăng và cà chua. Bạn cũng có thể
trộn hạt rau mùi với hạt tiêu xay nhuyễn để tạo ra một loại gia vị thú vị hơn.
Khi mua loại gia vị này cho mục đích ẩm thực,
hãy tìm hạt khô ở dạng nguyên hạt hoặc dạng xay. Rau mùi xay thô rất tốt để chà
xát lên thịt và cá (ướp) trước khi nấu. Hạt nguyên hoặc bột rau mùi cũng có thể
được sử dụng trong các món ướp, món ngâm, nước sốt salad và món thịt hầm.
Đối với các mục đích y học mạnh hơn, có thể
mua dưới dạng thực phẩm bổ sung, cồn, trà hoặc tinh dầu...
3. Rủi ro và tác dụng phụ
Theo TS. Josh Axe, chuyên gia dinh dưỡng lâm
sàng (Hoa Kỳ), với một lượng nhỏ thức ăn, rau mùi không có khả năng gây ra cho
bạn bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào. Tuy nhiên khi được sử dụng trong y
học, nó có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Nếu bạn bị dị ứng với hoa hồi, thì là, ngải
cứu hoặc các loại cây tương tự thì bạn có thể bị dị ứng với rau mùi.
Do khả năng làm giảm lượng đường trong máu một
cách tự nhiên, hãy theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh đái
tháo đường khi dùng loại gia vị này. Nó cũng có thể làm giảm mức huyết áp, vì
vậy hãy cẩn thận khi ăn nếu bạn có xu hướng bị huyết áp thấp hoặc đang dùng
thuốc để hạ huyết áp.
Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe
trước khi sử dụng các sản phẩm bổ sung chứa mùi, đặc biệt nếu bạn hiện đang
mang thai, cho con bú, đang mắc bệnh và/hoặc hiện đang dùng thuốc
Lăng Kim – Theo báo sức khoẻ & đời sống