Cuối năm, là thời điểm mọi người tất bật, khẩn trương với tinh thần hoàn thành tốt công việc của năm cũ để bước sang năm mới nhiều thuận lợi hơn. Trong sự bận rộn đó, mọi người đừng quên nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ tài sản của cá nhân và góp phần bảo vệ tài sản của mọi người xung quanh.
Bởi trên thực tế từ nhiều năm trước cho thấy, các loại tội phạm thường lợi dụng sự tất bật trong dịp cuối năm dẫn đến sơ hở của 1 số người để gia tăng hoạt động phạm tội, nhất là trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản….tránh làm “con mồi” cho loại tội phạm này.
Vậy Cướp giật tài sản là gì?
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 hiện nay chỉ mới quy định về tội danh cướp giật tài sản mà không mô tả cụ thể hành vi cướp giật tài sản cũng như dấu hiệu nhận biết hành vi này.
Tuy nhiên, căn cứ theo lý luận và thực tiễn điều tra, xét xử về tội phạm này, có thể hiểu cướp giật tài sản là hành vi mang những đặc điểm, dấu hiệu sau:
- Nhanh chóng, công khai giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc trong khi người có trách nhiệm đang quản lý tài sản.
- Nhanh chóng tẩu thoát sau khi đã giật được tài sản.
Các đối tượng cướp giật tài sản lợi dụng sơ hở của người sở hữu, quản lý tài sản để nhanh chóng lấy tài sản và bỏ trốn. Ví dụ, A và B thấy C đang vừa đi vừa nghe điện thoại, nhân lúc C không để ý, A đèo B vượt tới và giật lấy điện thoại rồi phóng xe bỏ chạy. Hành vi của A và B được xác định là hành vi cướp giật tài sản.
Lưu ý rằng, nếu trong quá trình cướp giật tài sản có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực thì hành vi cướp giật tài sản sẽ chuyển hóa thành cướp tài sản. Nói cách khác, hành vi cướp giật tài sản sẽ không có hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để lấy tài sản. Nếu không chú ý đặc điểm này sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa cướp tài sản và cướp giật tài sản.
Từ các phương thức, thủ đoạn và hành vi thực hiện của tội phạm cướp giật tài sản trên. Mọi người cần cảnh giác và thực hiện một số biện pháp sau để không trở thành "con mồi' của loại tội phạm này.
1. Cho tài sản vào trong cốp xe hoặc để phía trước buộc chặt.
2. Không sử dụng điện thoại khi đi đường.
3. Không dừng, đậu xe nơi tối vắng. Nếu cần phải đi qua khu vực này thì nên đi từ 02 người.
4. Khi phát hiện có đối tượng đeo bám thì chạy chậm vào sát lề đường hoặc tấp vào nơi có đông người.
5. Khi rút tiền ở ATM hoặc ngân hàng nên có người đi cùng và quan sát cảnh giác.