Long Khánh - Xã Xuân Lập : noi-dung-tin Long Khánh - Xã Xuân Lập
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
Tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống cô Nguyễn Cảnh Ngọc Trân. Cập nhật28-05-2024 09:17
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, lòng tôi lại nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Cha già kính yêu của dân tộc, một tấm gương tỏa sáng muôn đời về lòng yêu nước, đức hi sinh, quên mình cho hết thảy. Người luôn sống mãi trong trái tim tôi và trái tim mọi người vì Bác không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp Cách mạng vẻ vang, mà còn để lại cho đất nước một di sản vĩ đại đó là tư tưởng và tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức.

Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn tạo nên một không khí thi đua sôi nổi với những giá trị nhân văn và tinh thần to lớn và bản thân tôi cũng đã học theo tấm gương của Bác, vươn lên trong cuộc sống, lao động không ngừng nghỉ, công tác tốt để có cuộc sống tốt đẹp và cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, với sự lao động, cố gắng của tôi chưa là gì so với chị. Một người chị tôi đã có cơ hội quen biết. Đến với hội thi hôm nay, tôi xin kể về chị với tấm gương vượt khó, sống tốt: chị Nguyễn Ngọc Cảnh Trân - cựu giáo viên Trường Tiểu học Xuân Lập.

Chị sinh ra và lớn lên ở vùng đất cố đô. Vì gia đình khó khăn, chị nghỉ học năm lớp 11, vào Long Khánh - Đồng Nai sinh sống và lập nghiệp năm 1987. Thời gian mới vào Nam, chị ở nhà cô ruột là bà Nguyễn Thị Thu Cúc sinh sống ở Suối Tre. Chị luôn ý thức được tầm quan trọng của học vấn, chị đã đăng kí học bổ túc văn hóa lớp 12. Sau đó đến năm 1989, chị học Trung cấp sư phạm Bà Rịa –Vũng Tàu và bắt đầu vào ngành giáo dục, làm giáo viên Trường Tiểu học Xuân Lập năm 1990. Trong những năm đầu làm giáo viên, chị ở Suối Tre, đi xe đạp qua Xuân Lập để dạy. Thế nhưng chị chưa một lần đi dạy muộn. Đến năm 1995 lấy chồng, ở nhà chồng tại Xuân Lập, sinh đôi hai đứa con gái xinh xắn.

Tưởng rằng chị đã có được gia đình hạnh phúc. Nào ngờ không may khi hai đứa con gái lên sáu tuổi, bác sĩ khám và cho biết con gái lớn của chị bị bệnh Tâm thần phân liệt. Bao nhiêu tiền đổ vào để chạy chữa cho con. Nhưng vô vọng, đứa con bé nhỏ của chị mang căn bệnh tâm thần, mỗi ngày một nặng. Sự đau khổ không dừng lại ở đó, năm 2002 anh Lý Ngọc Tiến, chồng chị đột ngột qua đời do bị tai nạn, để lại chị một mình vật lộn với cuộc sống. Nợ nần, túng thiếu oằn nặng trên vai người phụ nữ ấy. Từ đó, Một mình nuôi hai con nhỏ với đồng lương giáo viên ít ỏi thời bấy giờ đã khó khăn rồi, đằng này con bị bệnh tâm thần, khó khăn chồng chất khó khăn. Thời gian thấm thoát trôi qua, hai bé đã lớn. Những tưởng con gái nhỏ lanh lợi, tháo vát đỡ đần phụ mẹ nhưng rồi cô con gái ấy của chị lại đi lấy chồng sớm. Một mình chị vừa lo việc trường, việc nhà, chăm sóc đứa con gái bị bệnh ngày càng nặng mặc dù chị vẫn đưa cháu đi khám và uống thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cháu không biết tự chăm sóc mình, mọi thứ đều một tay chị. Vậy mà chị còn phải chịu những cơn đau về thể xác do chính con mình gây ra. Nhiều lúc lên cơn, cháu đánh mẹ một cách vô tri. Lắm khi chị lên trường với trên khuôn mặt, cánh tay đầy những vết bầm, vết cắn. Xót xa vô cùng! Đặc biệt, buổi tối, cháu rất ít ngủ mà quậy phá, la hét làm chị cũng mất ngủ theo, có khi thức trắng cả đêm .... . Không vì thế mà chị bỏ bê con gái mình, chị dành cho cháu với tất cả tình thương của người mẹ, có gì ngon cũng đem về cho con, chăm sóc con từng li từng tí như tuổi còn nằm nôi. Chính vì thế, cháu trông lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm, trắng trẻo, mập mạp.

Tuy vất vả, khó khăn nhưng chị rất có trách nhiệm với gia đình: hàng tháng chị trích ra một ít tiền để gửi về quê nuôi cha già, còn phụ với sui gia tiền mua sữa, mua quần áo, tiền học, … cho hai cậu cháu ngoại vì mồ côi cha, mẹ bỏ đi. Chính vì thế, chị phải kiếm nhiều việc làm thêm để trang trải. Nhất là từ khi chị nghỉ hưu, tiền lương giảm, chị phụ bán quán cơm, vệ sinh lớp học,... Việc gì phù hợp với sức khỏe của chị thì chị không hề nề hà. Đúng ra, ở tuổi của chị, chị phải được hưởng an nhàn, nghỉ ngơi nhưng chị vẫn phải bươn chãi để kiếm tiền. Đến nay, bản thân chị chẳng có tài sản gì ngoài căn nhà mà hai vợ chồng chắt chiu tích góp được, đến một chiếc xe máy cũ cũng không có, đi đâu cũng cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ.

Chị rất xứng đáng với danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi”. Bởi lẽ, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công việc mà trong cuộc sống, chị luôn là một người có uy tín với mọi người xung quanh, với hàng xóm láng giềng. Không chỉ có thế, chị luôn sẵn sáng giúp đỡ mọi người. Ngoài việc dành thời gian để làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị còn dành thời gian để giúp đỡ mọi người, làm từ thiện bằng khả năng của mình. Năm 2021, khi dịch Covid hoành hành, chị đã tham gia trong tổ Covid Cộng đồng của phường, hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chị còn đảm nhiệm thêm chức danh Tổ trưởng tổ dân phố, phụ việc cho địa phương từ năm 2022 (sau khi nghỉ hưu). Công việc địa phương giao, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ mới hai năm mà chị đã nhận rất nhiều giấy khen của phường trao tặng.

Chị nói với tôi: “Chị có làm gì to tác đâu mà giỏi. Chỉ là bây giờ mình còn sức khỏe, giúp được ai thì giúp, phụ được ai thì phụ, làm được gì cho ai thì làm. Chứ sau này không còn sức khỏe có muốn giúp, muốn làm cũng không được”.



1cảnh trân 4.jpg


Qua câu chuyện của chị Nguyễn Cảnh Ngọc Trân mà tôi vừa kể, tôi nhận thấy chị là tấm gương sáng “vượt khó, sống tốt”, là người sáng ngời những phẩm chất đạo đức mà tôi cần phải học hỏi, cần phải phấn đấu nhiều mới đạt được. Qua tấm gương của chị Trân, tôi đã đúc kết cho mình kinh nghiệm để vượt khó, sống tốt. Không những thế, chị là tấm gương để tôi dạy cho các con, các cháu tôi về tinh thần vượt khó, vươn lên vì cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, lúc nào cũng trải hoa hồng./.

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.