Phát triển điện năng lượng mặt trời
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành Kế hoạch
phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Đồng Nai
tạo điều kiện và khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt
điện mặt trời mái nhà sử dụng hoặc bán để giảm áp lực nguồn cung cho ngành
Điện, giảm nguy cơ thiếu điện. Tỉnh thực hiện cơ cấu lại các lĩnh vực, khu vực
có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao, đặc biệt là khu vực sản xuất công nghiệp để
nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tiếp tục thực hiện chính sách về sử dụng
năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng.
Thực hiện Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng
cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã nghiên cứu, đề
xuất nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để phổ biến và áp dụng rộng rãi;
triển khai kiểm toán năng lượng một số doanh nghiệp trong nước để nắm hiện
trạng sử dụng năng lượng và triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng
tiết kiệm, hiệu quả. Đây là cơ sở để Sở đề xuất cơ chế, giải pháp thúc đẩy
doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm tiết giảm chi phí năng
lượng, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó
khuyến khích sử dụng điện năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp cụ
thể, thiết thực.
Sử dụng điện mặt trời áp mái không chỉ
tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả
sản xuất kinh doanh mà còn là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường,
ứng phó biến đổi khí hậu. Việc lắp đặt điện mặt trời
áp mái không tốn diện tích đất; Giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các
công trình; Có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ
áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải.
Hiện nay, hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt nhiều ở
các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp. Ngoài ra, điện mặt trời áp mái
với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu
tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa; dễ dàng huy động các
nguồn vốn. Phát triển điện mặt trời mái nhà đem lại lợi ích cho Nhà nước
và người sử dụng điện: Có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao,
giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới
truyền tải điện. Chính vì vậy, để tận dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các
khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận
tiện trong việc nối lưới, điện mặt trời áp mái được đánh giá là giải pháp hiệu
quả nhất hiện nay. Giải pháp này hiện đang được nhiều doanh
nghiệp quan tâm.
Địa bàn Đồng Nai cũng là khu vực có tổng số giờ nắng trung bình trong năm cao, khoảng 2,5 ngàn giờ/năm, bức xạ mặt trời đạt trung bình khoảng 1,85 ngàn kWh/m2/năm.
Là doanh nghiệp chuyên cấp các giải pháp,
thiết bị để phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện, trong đó ĐNLMT là
một mảng lớn, trong những năm qua, Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt đã hợp tác với
nhiều đối tác, quỹ đầu tư quốc tế thuê mái nhà xưởng của các doanh nghiệp để
đầu tư công trình điện mặt trời mái nhà. Ông Bùi Việt Phương, Trưởng bộ phận
marketing, Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt cho biết, Đồng Nai có nhiều tiềm năng và
khá thuận lợi trong việc phát triển điện mặt trời ở khu công nghiệp với 32 khu
công nghiệp, hơn 7 ngàn ha diện tích mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp.
Địa bàn Đồng Nai cũng là khu vực có tổng số giờ nắng trung bình
trong năm cao, khoảng 2,5 ngàn giờ/năm, bức xạ mặt trời đạt trung bình khoảng
1,85 ngàn kWh/m2/năm. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng
đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho khách hàng tại Đồng Nai.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ
thuật Công ty Điện mặt trời Vũ Phong cho biết, qua khảo sát sơ bộ chúng tôi
nhận thấy, hiện có khoảng 82% diện tích mái nhà xưởng, tòa nhà xây dựng, trung
tâm thương mại chưa được khai thác, đó là tiềm năng đồng thời là cơ hội cho nhà
đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái, do đó chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để
mở rộng thị trường với dòng sản phẩm phục vụ cho phát triển điện năng lượng mặt
trời mái nhà.
Thanh Hải