Vài nét về tình hình sản xuất xoài ở địa bàn
Cây xoài được trồng
trên địa bàn xã chủ yếu là giống xoài Bưởi (có nhiều tên gọi khác nhau như xoài
ba mùa mưa vì xoài 3 năm đã cho trái hay xoài ghép Bưởi vì những giống cây đầu
tiên được nhân giống bằng cách chiết ghép, tuy nhiên phần lớn giống xoài này
được nhân giống bằng hạt), gọi là xoài Bưởi vì khi cây xoài mới ra quả những
năm đầu có mùi bưởi.
Đặc điểm của xoài
Bưởi là thuộc nhóm đa phôi, gieo một hạt
mọc lên 5 – 7 cây, mỗi cây có một bộ rễ riêng biệt, nên tách riêng từng cây
trồng rất thuận lợi. Một đặc điểm nữa là xoài Bưởi nhân giống bằng hạt và cây
con mọc lên giống hệt cây mẹ về những đặc tính vốn có của giống xoài này. Ngoài
ra giống xoài Bưởi đòi hỏi thâm canh cao. Tuy nhiên chất lượng của xoài Bưởi có
những hạn chế, kém hơn xoài Cát, xoài Thơm.
Nguồn gốc của cây
xoài Túc Trưng có xuất xứ mua giống một số vườn ở La Ngà, bắt đầu trồng từ năm
1993, giống xoài này thích nghi với những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây
nên cây xoài phát triển tốt, cho năng suất cao và đặc biệt là thị trường đầu ra
thuận lợi nên có hiệu quả kinh tế cao, đời sống của những hộ trồng xoài được
nâng lên rõ rệt. Qua nhiều năm phát triển, cây xoài đã được nhân dân chọn làm
một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất phát triển kinh tế gia đình,
trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp sang chuyên canh cây
xoài.
Thị trường xoài có
những biến động trong những năm gần đây ít nhiều tạo những khó khăn cho người
sản xuất, tình trạng sâu rầy, dịch bệnh, giá phân thuốc tăng cao khiến cho chi
phí chăm sóc cây trồng tăng lên đáng kể.
Tình hình sản xuất
xoài trong những năm qua có nhiều biến chuyển mới, người nông dân ham học hỏi,
tìm hiểu những tiến bộ mới để áp dụng vào sản xuất. Kỹ thuật chăm sóc vườn xoài
được phổ biến qua những lớp tập huấn khuyến nông, các công ty bảo vệ thực vật,
tư liệu sách báo… Trong những năm gần đây kỹ thuật được áp dụng thành công và
phổ biến rộng rãi là làm cho cây xoài ra hoa sớm vụ, khắc phục được những trở
ngại của thị trường đối với vụ chính. Tuy vậy người nông dân cũng gặp phải
không ít khó khăn trong sản xuất về thời tiết, sâu bệnh.
Với phương pháp xử lí cho xoài ra hoa
sớm vụ. Phương thức đầu tiên được ứng dụng là khoanh vỏ gốc, tuy có đạt hiệu
quả nhưng có ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của cây. Phương pháp mới
là sử dụng các hoạt chất hóa học xử lí cho thấy đạt hiệu quả tốt và có nhiều
triển vọng nên được người nông dân áp dụng phổ biến tạo nên sự hiệu quả trong
sản xuất.
Hiện trạng phát triển
và tình hình chung của các nông hộ
Diện tích trồng cây ăn
trái trong những năm qua tiếp tục phát triển tăng nhanh và cây xoài vẫn là cây
ăn trái chiếm ưu thế, là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Diện
tích cây xoài chiếm 17,4% trong tổng số diện tích đất nông nghiệp toàn xã với
290 hộ canh tác chiếm 13,29% hộ dân trên địa bàn xã.
Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng nhằm làm tăng hiệu
quả kinh tế sản xuất hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập người dân, nhiều
hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp sang chuyên canh cây xoài, vì
chi phí đầu tư không cao và có thể thực hiện được với điều kiện đất đai và hoàn
cảnh kinh tế của mỗi gia đình.
Diện tích xoài trên địa bàn có xu hướng tăng lên qua các năm, người
dân trên địa bàn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
chuyển từ những cây kém hiệu quả sang canh tác xoài. Vị trí của cây xoài tiếp
tục được khẳng định, diện tích trồng mới và thu hoạch tiếp tục tăng lên trong
những năm tiếp theo. như vậy cây xoài được người dân chọn lựa đầu tư là quyết
định đúng đắn.
Để đạt được năng suất cao người nông dân đã không ngừng áp dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng các phương pháp mới kích thích xoài
ra hoa sớm vụ, sử dụng các loại phân thuốc có chất lượng cao và không ngừng tìm
hiểu, tham gia các lớp tập huấn cách thức chăm sóc vườn cây.
Theo xu hướng trong những năm gần đây thì năng suất và sản lượng xoài tăng
lên là do người nông dân áp dụng rộng rãi phương pháp cho xoài ra hoa sớm
vụ, tăng cường đầu tư phân bón và thuốc
hóa học cho cây xoài.
Trong tổng số 50 hộ điều
tra thì có đến 37 hộ chiếm 74% hộ áp dụng phương pháp cho hoa xoài ra sớm. Điều
này phù hợp chung với xu thế tránh sự không ổn
định về giá cả thấp trong chính vụ; số hộ còn lại họ sợ ảnh hưởng thời
tiết nên không xử lí cho ra hoa sớm.
Qua tìm hiểu cho thấy các nông hộ tiếp
tục đầu tư mở rộng diện tích trồng xoài trong những năm tiếp theo. Diện tích đã
cho thu hoạch chiếm 81,85% thể hiện người dân đã đầu tư xoài từ nhiều năm. Với
50 hộ nghiên cứu có tổng diện tích trồng xoài là 140,5 ha, như vậy trung bình
một hộ có 2,81 ha canh tác xoài.
Đánh giá thuận
lợi, khó khăn và nhu cầu của người nông
dân
Thuận lợi: Điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu… rất
thích nghi cho cây xoài phát triển là một trong những thuận lợi quan trọng đầu
tiên, nhưng theo người sản xuất thì hiệu quả kinh tế cao mới chính là mục tiêu
quan trọng để người nông dân tiếp tục
phát triển vườn xoài.
Khó khăn: Yếu tố khó khăn chính là sâu bệnh nhiều,
vườn xoài trong thời gian ra hoa đậu trái luôn phải sử dụng các loại thuốc BVTV
thì năng suất và chất lượng xoài mới được đảm bảo, sâu bệnh nhiều dẫn đến chi
phí cho mùa vụ tăng cao. Yếu tố khó khăn nhất mà người nông dân luôn phải quan
tâm và nó có tính quyết định đến thu nhập, lợi nhuận đó chính là giá của xoài
trên thị trường luôn biến động thất thường.
Người nông dân mong
muốn xã Túc Trưng được qui hoạch thành vùng chuyên sản xuất xoài để từ đó có
các chính sách ưu đãi, có chiến lược định hướng phát triển chung tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi trong đầu
tư và tiêu thụ. Nhu cầu qui hoạch vùng trồng xoài là cần thiết, qua khảo
sát hộ gia đình có nhu cầu này người dân
mong muốn khu địa bàn là khu tập trung chuyên sản xuất hàng hóa xoài để có thể
có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.
Nhu cầu giống xoài
mới của các nông hộ, các giống được chọn là giống xoài Thái Lan, cát Hòa Lộc…Xu
hướng tiêu thụ ngày càng có nhu cầu về các giống xoài mới nhưng phần lớn người
sản xuất còn chưa thực sự tin tưởng để áp dụng phổ biến. Các giống xoài mới được trồng tại nhiều điểm trình diễn đã
cho những kết quả tốt.
Nhu cầu vay vốn của
người dân cao, hiện tại người nông dân chỉ mới được vay trung bình 20 triệu
đồng/hộ.
Nhu cầu tiêu thụ sản
phẩm là mong muốn bán dưới hình thức bán xô và bán phân loại (chiếm tỷ lệ cao
nhất 44,78% và 40,30%) Bán xô là hình thức bán một giá với số luợng xoài, mà
không phân biệt kích cỡ, xoài bẻ trên cây xuống cân kg và tính tiền. Bán phân
loại: được chia theo tiêu chuẩn theo kích cỡ và hình dáng, tương ứng là với
từng loại giá khác nhau, vì vậy nếu bán dưới hình thức này thì chất lượng xoài
phải ổn định và độ đồng đều cao.
Nhu cầu chính sách hỗ
trợ về vốn và kỹ thuật được người sản xuất đề xuất cao (chiếm 41,67% và 36,67%),
người sản xuất mong muốn có đủ nguồn vốn để đầu tư cho vụ xoài, đồng thời mong
muốn áp dụng những kiến thức mới trong sản xuất qua các lớp tập huấn kỹ thuật.
người sản xuất quan tâm đầu tư đảm bảo năng suất và chất lượng, và thực hiện
cho thu hoạch sớm vụ, tránh sự ồ ạt trên thị trường, đảm bảo giá cả ổn định và
cao hơn trong vụ chính.
Phương hướng phát triển
trồng xoài ở xã Túc Trưng
Tiếp tục phát triển đa
dạng các loại cây ăn quả theo qui hoạch, kế hoạch, với cơ cấu cây trồng và cơ
cấu giống phù hợp. Trong đó, cây xoài là cây trồng chủ lực. Đẩy mạnh thâm canh
nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu
cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Gắn kết chặt chẽ giữa
sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo xây dựng vùng cây ăn quả
tập trung, phát triển bền vững, hiệu quả cao thực sự trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn của xã.
CÁC GIẢI PHÁP
NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TRỒNG CÂY XOÀI MÔ HÌNH HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
TÚC TRƯNG
Trên
thực tế phát triển xoài ở xã Túc Trưng có thể khẳng định rằng: Để ổn định và
phát triển vùng sản xuất xoài, các cấp, các ngành cần nhìn nhận đúng đắn về vị
trí, vai trò quan trọng của cây xoài đối với người dân trồng, phải xem đó là
“vấn đề sống còn của người dân, vấn đề chiến lược, vấn đề cơ bản và lâu dài”.
Trên cơ sở đó đề ra các chính sách phù hợp phát triển cây xoài qui mô hộ gia
đình, nhằm đưa cây xoài xã Túc Trưng ngày một có vị trí trong nhóm cây ăn quả,
có giá trị kinh tế cao. Để làm được điều này thì một số giải pháp kinh tế kỹ
thuật chủ yếu sau đây cần được thực hiện:
Giải pháp chung
Quy hoạch vùng sản xuất
tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện đầu tư, áp dụng kỹ thuật.
Cần
hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất và bố trí sản xuất xoài: Phải tiến hành xây
dựng qui hoạch cho cây xoài nói chung và qui hoạch vùng phát triển cho từng
giống xoài trên phạm vi xã. Từng giống xoài được phát triển theo vùng tập
trung, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của người
dân. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn để chỉ đạo
và tổ chức thực hiện.
Giải
pháp về kỹ thuật
Lựa chọn giống xoài cho sản phẩm có chất lượng cao
và thời gian thu hoạch khác nhau nhằm
rải vụ sản xuất, nâng cao giá trị cây xoài.
Ứ ng dụng tiến bộ khoa học và qui trình kĩ thuật
trồng xoài an toàn theo tiêu chuẩn (GAP).
Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất sản phẩm quả theo tiêu chuẩn đăng ký trong
thương hiệu đối với vùng đã quy hoạch sản xuất; Khuyến cáo nhân dân ngoài vùng
quy hoạch thực hiện các biện pháp sản xuất an toàn theo quy trình sản xuất an
toàn (GAP).
Vì
vậy cần nâng cao năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn để đáp ứng được nhu cầu
thị trường trong và ngoài nước, trong thời gian tới người dân cần tập trung vào
một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau:
Hoàn thiện hệ thống khuyến nông từ huyện- xã- cơ
sở, đồng thời tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho
các hộ trồng xoài
Để
giúp người dân nâng cao trình độ kĩ thuật trong thời gian tới phải tăng cường
công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả hoạt
động của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở ở xã. Việc tập huấn phải được đổi
mới, hạn chế nói lý thuyết trên hội trường mà phải thực hành trực tiếp trên
vườn cây, phải tổ chức tập huấn đến các thôn, ấp và đến những đối tượng lao
động trực tiếp của hộ gia đình.
Ngoài
ra phòng Kinh tế, trạm Khuyến nông cần xây dựng quy trình sản xuất theo hướng
an toàn, xây dựng thương hiệu, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm
xoài, tập huấn giúp người dân nắm bắt được tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng
thời giúp họ có được những kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm, đạt tiêu chuẩn.
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho phát triển trồng cây xoài. UBND
xã Túc Trưng cần thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế
xã hội tại địa phương từ đó huy động vồn đầu tư cho sản xuất như:
Nguồn vốn đầu tư phát triển cây trồng chủ lực
Để giải quyết vấn đề vốn đầu tư cho người trồng xoài, Nhà
nước cần dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vùng phát triển xoài vay vốn đầu tư
chăm sóc, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Vốn vay có thời gian phù hợp
với chu kỳ của cây con, với lãi suất ưu đãi cho các hộ , thủ tục cần nhanh gọn hơn.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức khuyến nông, khuyến lâm và các tổ
chức cho vay trong việc hướng dẫn các hộ dân, các trang trại lập dự án vay vốn
và sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Thị trường tiêu thụ sản
phẩm xoài là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh
trong cơ chế thị trường. Nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm xoài tại xã Túc
Trưng trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tổ chức
khuyến nông, các cấp chính quyền, đoàn thể về cung, cầu, giá cả, thị hiếu tiêu
dùng của thị trường trong và ngoài nước đến người trồng xoài. Giúp họ định
hướng sản xuất lâu dài, ổn định có căn cứ phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Tổ chức hội chợ , triển lãm nhằm quảng bá ưu thế của sản phẩm. Thông qua
hình thức này để tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Thông qua Công ty thương nghiệp hoặc công ty thương mại tư nhân, các hợp
tác xã để đặt các đại lý bán và giới thiệu sản phẩm ở các chợ lớn, ở các thị
trấn, thị xã trong và ngoài tỉnh…
Phải phát huy vai trò chủ động của nông dân trong việc tìm kiếm thị trường
tiêu thụ tránh tình trạng trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước.
Cần xây dựng thương hiệu xoài tại xã Túc Trưng
Mở rộng phát triển trồng xoài theo mô hình trang
trại
Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất có qui mô lớn thành lập trang trại.
Cần phải có cơ chế chính sách phù hợp ở địa phương để tạo điều kiện cho các
trang trại phát triển. Các trang trại cần phải có sự liên kết với nhau để hỗ
trợ nhau, hợp tác với các tổ chức thu mua, chế biến nông sản tăng khả năng cạnh
tranh trên thị trường.
Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là tiền đề để cho các hộ nông dân phát
triển sản xuất hàng hóa, là cơ sở để công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp
và nông thôn, bao gồm: điện, đường giao thông, thuỷ
lợi, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đó là những vấn đề có ý nghĩa
quan trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân chủ động sản xuất,
tiếp cận thông tin, thị trường.
Tạo điều kiện về
nguồn kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực về công
nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà
nước, đoàn thể ở các cấp chính quyền địa phương, đáp ứng nhu cầu quản lý, điều
hành và phục vụ nhân dân.
Tóm lại qua nghiên
cứu đánh giá thực trạng trồng cây xoài mô hình hộ gia đình tại xã Túc Trưng,
huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho thấy: Trong quá trình trồng cây xoài người
dân còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn cơ bản nhất là thị trường
tiêu thụ. Vì vậy để nâng cao hiệu quả kinh tế cây xoài thì ngoài việc tích cực
tìm kiếm thị trường tiêu thụ thì cần phải thực hiện một cách đồng bộ các giải
pháp đã nêu trên.
Cơ sở lý luận và thực tiễn về
quá trình phát triển trồng xoài ở xã Túc Trưng đã chứng tỏ vị trí, vai trò
không thể thiếu được của cây xoài trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng,
nâng cao thu nhập của người trồng xoài./.
Tin,
ảnh Nguyễn Văn Bình