Những đứa trẻ Khơ-me,
từ đời cha mẹ của các em, đã không biết nói tiếng Khơ-me, viết chữ Khơ-me. Thế
nên một lớp học để học tiếng nói cội nguồn là niềm khao khát của những đứa trẻ,
và của cả cộng đồng...
Hoa Sơn Tự - ngôi chùa
Khơ-me duy nhất ở thành phố Long Khánh, và là nơi thực hành tín ngưỡng, văn hóa
của đồng bào Khơ-me trong vùng. Và cũng trong chùa, có một lớp học đặc biệt:
Lớp học tiếng Khơ-me.
Lớp học được mở tại
chùa, những đứa trẻ, đa số là học sinh tiểu học, bắt đầu những nét chữ, những
tiếng nói đầu tiên bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Những buổi học đầu tiên không
khí thật hào hứng...
Cô Danh Thị Phước Hiếu dạy lớp học tiếng Khơ-me tại
chùa Hoa Sơn Tự
Chị Trần Thị Thanh Minh,
Phụ huynh cư ngụ Phường Phú Bình chia sẻ: “Mong muốn của em là mong cho con đi học tiếng
Khơ-me từ lúc nhỏ. Lúc nhỏ gia đình khó khăn không có điều kiện. Thấy có cô
giáo, có sư tổ chức cho các bé đi học tiếng Khơ-me thì rất là vui. Mong muốn
phát triển tốt hơn về văn hóa người Khơ-me".
Là thế hệ tiếp theo
của cộng đồng người Khơ-me ở Long Khánh, song những đứa trẻ, kể cả cha mẹ của
các em, đều không thể nói được tiếng Khơ-me.
Người Khơ-me
nhưng không biết tiếng Khơ-me, là nỗi niềm đau đáu của những người như cô Danh
Thị Phước Hiếu – cô giáo đứng lớp.
Cô Danh Thị Phước
Hiếu, Phường Suối Tre nói lên cảm nghĩ của mình: “Việc học tiếng Khơ-me thực sự là
không có dễ, vì không có trường nào mở để mình học. Thấy được điều đó, mình
muốn để các bạn học từ lúc còn nhỏ. Mình có hỏi, sư trụ trì nói nếu mở được thì
quá tốt để lưu được văn hóa, nét chữ của đồng bào dân tộc Khơ-me".
Chính cô Hiếu cũng
không biết tiếng Khơ-me từ nhỏ. Đến khi vào đại học và giành được học bổng của
Đại học Hoàng gia Campuchia ngành ngôn ngữ và văn hóa Khơ-me, cô mới bắt đầu
hành trình tìm học và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Tốt nghiệp đại học, và
tiếp tục con đường học vấn với 2 học bổng thạc sĩ, 1 ngành đối ngoại ở Hungary
đã hoàn thành, 1 ngành ngôn ngữ Anh ở Singapore đang học, và hiện đang giảng
dạy của Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cô Hiếu vẫn không thôi ấp ủ kế
hoạch mở lớp dạy tiếng Khơ-me, và cả tiếng Anh cho những đứa trẻ đồng bào.
Cô Danh Thị Phước
Hiếu, Phường Suối Tre chia sẻ thêm: “Bây giờ chỉ có 10 bạn, 20 bạn, nhưng mình không nghĩ là dừng
lại ở 10, 20 bạn, mà càng nhiều càng tốt, và cũng không chỉ tiếng Khơ-me, mình
còn dạy tiếng Anh nữa. Khi mình nói mình mở lớp, bà con rất là mừng, mình thấy
được sự ủng hộ rất là đầy hi vọng từ bà con, đó là nguồn động lực của
mình".
Không như các tỉnh
miền Tây, cộng đồng người Khơ-me ở Long Khánh cũng như cả ở Đồng Nai sống rải
rác, không tập trung, tiếng Khơ-me vì thế mà dần mai một trong cộng đồng. Nên
việc tập hợp được học trò, thuyết phục cha mẹ, rồi người đứng lớp, cơ sở vật
chất... cũng còn nhiều khó khăn.
Đại đức Thạch Sa Huynh
- Trụ trì Chùa Hoa Sơn, phường Phú Bình cho biết: “Trong phạm vi của nhà chùa thì cũng cố gắng
hết sức, nhưng hiện nay còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất nhà chùa chưa đáp
ứng được. Nhưng sư sẽ cố gắng để vận động bà con đồng bào, rồi hỗ trợ những
bước đầu tiên để lớp học có thể duy trì và ổn định".
Ông Đăng Thanh Hiếu,
Trưởng phòng dân tộc thành phố Long Khánh cho biết thêm: “Đây là một trong những việc mà chúng tôi cũng
mong muốn thực hiện đó là mở lớp cho đồng bào dân tộc Khơ-me. Hy vọng rằng
trong thời gian tới cô Hiếu và các em nhỏ sẽ quyết tâm theo đuổi ước mơ dạy và
học tiếng Khơ me để duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình".
Tuy lớp vẫn chưa thể mở
đều đặn, nhưng dưới ngôi chùa Khơ-me, những đứa trẻ vẫn muốn được học nói, học
viết, để lớn lên biết và giữ được tiếng nói cội nguồn.
Minh Anh