Định Quán - Xã Suối Nho : noi-dung-tin Định Quán - Xã Suối Nho
Chào mừng quý vị đến với Website xã Suối Nho huyện Định Quán
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Tình yêu của Người dành cho khúc dân ca Cập nhật27-09-2016 03:54
Được sinh ra tại làng sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cái nôi của dân ca tha thiết và trữ tình, Bác Hồ đã sớm có tình yêu dạt dào đối với các ca khúc dân ca. Lớn lên bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào với những khúc dân ca nhẹ nhàng, sâu lắng, cho đến những phút giây cuối cùng trong cuộc đời Bác, Bác càng khao khát được lắng nghe một lần nữa bài dân ca quê hương.
 

Chuyện kể rằng vào buổi sáng ngày 2/9/1969, đây là buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác. Bởi sau 9 giờ sáng hôm ấy Người thực sự bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới một niềm đau thương, mất mát không thể nào diễn tả nổi bằng mọi ngôn từ.

Không gian của câu chuyện cũng chỉ thu nhỏ trong căn nhà A67. Căn phòng này cách ngôi nhà sàn của Bác chỉ vài chục bước chân. Trước đó, theo lời đề nghị của bác sĩ, để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc sức khoẻ của Người, ngày 18/8/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và những đồng chí trực tiếp chăm sóc Bác đã chuyển Bác xuống ở căn phòng này.

Sau gần 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm. Nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức, Người hỏi thăm tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người còn dặn các đồng chí trong Bộ Chính trị phải làm sao tổ chức ngày lễ Quốc khánh thật long trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân dân phấn khởi. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đối diện với quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước mà “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nằm trên giường bệnh, sáng 2/9, lúc này Người đã rất mệt, mong muốn cuối cùng của Người là được gặp và thăm đồng bào miền Nam không thực hiện được, hơi thở của Người mỗi lúc một yếu dần. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bác sỹ không ai nỡ rời xa Người dù chỉ là một phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung quanh rồi hỏi:

- Trong các chú có ai biết hò Huế không?

Mọi người lúng túng nhìn nhau, quả là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Thường ngày, Người vẫn thường nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, thêm vào đó Huế vốn là mảnh đất gắn bó cùng Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Giờ đây, trong những phút cuối cùng, có lẽ Người mong muốn mang hình ảnh miền Nam yêu thương, hình ảnh núi Ngự, sông Hương với những kỷ niệm buồn đau theo mình vào cõi vĩnh hằng bất tử. Nỗi niềm ấy của Người dường như ai cũng thấu hiểu, nhưng tìm nghệ sỹ hò Huế lúc này thật khó.

Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi. Lúc này giọng người đã yếu hơn nhiều:

-Trong các chú, ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không?

Thêm một lần nữa sự im lặng và bối rối bao trùm căn phòng. Câu ví dặm câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thủa lọt lòng. Ngươì lớn lên và đi ra thế giới từ chiếc nội văn hoá quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy. Trước giây phút sắp biệt ly Người khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương.

Lần thứ ba tỉnh lại, Người ngỏ ý muốn nghe một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, lần này thật may mắn khi cô y tá bé nhỏ Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Với chất giọng trong trẻo của người con gái Vĩnh Phúc, chị cất lời hát “Người ở đừng về”. Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát, tiếng hát hay tiếng lòng! Không ai phân biệt được. Chỉ biết rằng lời quan họ sâu lắng, tha thiết quá. “Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về” đã nói hộ lòng người. Cô y tá càng hát càng ngẹn ngào, những người xung quanh không ai cầm được nước mắt. 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập, để lại muôm vàn tình thưong yêu cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ ngọt ngào đằm thắm của mẹ, cuối cùng Người thanh thản nhẹ nhàng bước vào cuộc trường sinh bằng âm hưởng tiếng hát dân ca.

“Giấu mình đi Người chẳng làm phiền ai cả

Dép một đôi, áo quần vài bộ

Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài”

Câu chuyện thật giản dị mà sâu sắc như biết bao câu chuyện  kể về Bác, chúng ta nhận thấy ở Bác một tình yêu lớn bao la và đặc biệt.

Cả cuộc đời Bác sống cho nhân dân, cho dân tộc, không gợn chút riêng tư, hành trang mà Bác mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị: Mang theo âm hưởng câu hát dân ca vào cõi bất tử. Bác đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc, thấm thía rằng muốn yêu Tổ quốc mình, chúng ta phải yêu tha thiết những câu hát dân ca. Bởi khúc dân ca là linh hồn, là nơi nắng đọng tình yêu, tinh hoa, bản sắc văn hoá dân tộc. Nó là nguồn sữa tinh thần bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.

Trước lúc đi xa Bác muốn thế hệ sau hãy yêu những câu hát dân ca, hãy trân trọng và giữ gìn nền văn hoá của dân tộc.

Tuổi thơ của chúng ta đã trải qua đầy êm đềm bên những đêm trăng, những đồng ruộng, cùng nhau đọc vè, đọc đồng dao, hát dân ca… còn trẻ em của ngày nay dường như “tuổi thơ của trẻ đang bị đánh cắp”. Đó là điều mà chúng ta nên trăn trở do đó chúng ta cần phải giáo dục thế hệ trẻ ngày nay biết yêu Tổ quốc, biết yêu tha thiết những câu dân ca để giữ gìn những tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã khiến cho mỗi chúng ta biết dừng lại trong nhịp sống hối hả của cơ chế thị trường để tự soi rọi mình, tự gột rửa mình, làm cho bản thân mình sống tốt đẹp hơn sống có ích cho gia đình và xã hội hơn.

Tin ảnh: Sưu tầm

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.