Chị Võ Thị Chánh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông Nghiệp, huyện Long Thành cho biết, từ khi bà con nông dân huyện Long Thành triển khai trồng lúa theo mô hình IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa đã phát triển nhanh hơn, đồng thời giảm được từ 2 cho đến 3 kg giống/sào, giảm đáng kể thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế phân bón hóa học; năng suất tăng hơn 10% so với sản xuất theo tập quán trồng lúa trước đây.
Xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất huyện với diện tích trên 2.500 hecta. Được chọn thực hiện dự án cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu. Nằm trong chương trình này, bà con nông dân được hỗ trợ lắp đặt miễn phí hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng công nghệ Israel. Theo ông Phạm Văn Quý, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, từ lâu hệ thống tưới này đã mang lại hiệu quả rõ rệt như giảm chi phí, công lao động. Lượng nước, phân bón…. được tính toán, cung cấp cho cây vừa đủ, đúng thời điểm nên cây phát triển rất tốt.
Ông Ngỗ Hữu Phụng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ cho hay, thực hiện dự án cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu tại xã Lâm San với quy mô diện tích trên 700 hecta với 662 hộ tham gia. Đến thời điểm này, địa phương đã hỗ trợ 2.6 tỷ đồng cho các hộ dân canh tác cây hồ tiêu với tổng diện tích trên 270 hecta gắn hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Netafim – Israel. Bên cạnh đó, nông dân tham gia cánh đồng lớn còn được cán bộ tập huấn, hội thảo, hướng dẫn về quy trình sản xuất hồ tiêu sạch, hỗ trợ các chương trình áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất tốt như sản xuất theo chuẩn Viepgap, Global Gap cho cây tiêu.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng vào thực tế sản xuất từ nhiều năm nay. Hiện, toàn tỉnh đang triển khai áp dụng hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, với diện tích thực hiện trên 79.000 ha. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 573 ha cây trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hơn 46.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 210 ha diện tích cây ca cao đạt chứng nhận UTZ; 282 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 100% diện tích cây trồng sử dụng giống mới; tỷ lệ bình quân các khâu cơ giới hóa trên cây trồng đạt khoảng 84%.
P.Nga