Trảng Bom - Xã Sông Thao : noi-dung-tin Trảng Bom  - Xã Sông Thao
Chào mừng quý vị đến với Website xã Sông Thao huyện Trảng Bom
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

 

Nội dung

 
​Hiệu quả từ áp dụng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại xã Sông Thao Cập nhật17-08-2020 09:49
Với lợi thế về sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, từ năm 2014 đến nay, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác trong những năm tới đây.



Với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/ 6/ 2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. Với phương châm “Nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn”, mục tiêu là sẽ dần hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm tiến tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo Việt Nam đối với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới. Mô hình còn mang ý nghĩa “Cánh đồng lớn nhưng trong đó có nhiều nông dân nhỏ” hay nói cách khác là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay.



Thu hoạch lúa


Có thể nói, ngay từ bước đầu triển khai xây dựng mô hình, ở mọi địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như người dân, nhất là những hộ trực tiếp sản xuất ra lúa gạo. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được kế thừa và phát triển từ rất nhiều các mô hình trước đây nên việc nhận thức và tổ chức thực hiện được tiếp cận nhanh, đó là việc người nông dân trước đây đã tham gia nhiều chương trình, mô hình như khuyến nông, IPM… và sẵn sàng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc tham gia vào mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là một hình thức mới vừa thực tiễn vừa khoa học, vừa mang yếu tố cộng đồng, vừa cụ thể về các lợi ích kinh tế.

Cùng với đó, địa phương đã tập trung cao nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới, tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp các xã theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nên khi triển khai xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” khá thuận lợi. Có thể nói, với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đã có bước đổi mới trong nhiều năm qua, tương đối hoàn chỉnh, nên đã tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành phương thức sản xuất lúa theo hướng hiện đại hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”.

Những kết quả thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”

Ngay từ đầu năm 2014, Phòng Kinh tế huyện, Hội Nông dân huyện Trảng Bom đã phát động phong trào và triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại xã khu vực Cánh đồng 3, ấp Thuận An, xã Sông Thao được nông dân hưởng ứng tích cực, bước đầu thu được kết quả quan trọng. Với quy mô diện tích 48ha lúc ban đầu, đến năm 2019 là 79,4ha, rất nhiều hình thức với nội dung thực hiện đa dạng và phong phú, những tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ giới, thủy lợi và sự hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp từ Phòng Kinh tế huyện, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh của Hội Nông dân, Trạm Khuyến Nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Điều này đã giúp nông dân thay đổi tập quán sạ lúa quá dày, lệ thuộc sử dụng thuốc hóa học trừ rầy bằng chế phẩm sinh học, hạn chế tình trạng bộc phát rầy, giảm từ 2 đến 4 số lần sử dụng thuốc trừ rầy/vụ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.v.v…

Nhìn chung, các mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa, nông dân dùng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu của cây lúa, không bón thừa đạm, chất lượng gạo tăng lên qua việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng, giảm thiểu lượng thuốc lưu tồn trong hạt gạo... là tiền đề để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa. Để việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa, sản xuất lúa có ghi chép sổ tay theo hướng GAP được trở thành phong trào mạnh mẽ trong sản xuất vừa góp phần gia tăng năng suất và chất lượng, vừa tạo được vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao cần thiết phải xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” định hướng sản xuất nông sản an toàn theo GAP.


Thu hoạch lúa


Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” các bên tham gia đều thụ hưởng các lợi ích một cách cao nhất, trong đó nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm cho lúa từ các hoạt động dịch vụ nhiều nhất. “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ, … các hoạt động dịch vụ này sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương cho thấy lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha, nguyên nhân do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống xạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh… Với phương thức tổ chức đa dạng trên nền tảng của những mô hình canh tác lúa đã được xây dựng, nhiều hình thức đơn giản, dễ thực hiện, dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, các nội dung thực hiện phù hợp với kỹ thuật và trình độ canh tác của nông dân trong vùng, cùng với đó là các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham gia, triển khai thực hiện có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, trình diễn mô hình.

Với mục tiêu xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa gạo nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Việc thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” cũng sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành trồng trọt, chính vì thế, rất cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và các địa phương một cách đồng bộ, nhằm mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn nữa./.


Diệu Linh

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.