Theo
Người, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, Tổ
quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Người luôn khẳng
định, tiết kiêm là tích cực, là góp phần tiến lên, góp phần phát triển. Bàn về
tiết kiệm để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, Người đã nhấn mạnh: “Tiết kiệm không
phải là ép bộ đội, cán bộ và Nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm
cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao
mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân”. Trong quan điểm của Người, tiết kiệm
là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt
hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục
tiêu. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức. Tiết
kiệm được thực hiện thông qua những hành vi trong thực tế của mọi người.
Về
nội dung tiết kiệm, Bác Hồ đã chỉ ra 03 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm: (1)
tiết kiệm sức lao động. Theo Người, có nhiều biện pháp để tiết kiệm sức lao
động, nhưng quan trọng nhất, là phải biết tổ chức sắp xếp lực lượng cho khéo,
phải nâng cao năng suất lao động, phải phấn đấu để “một người làm bằng hai, ba
người”. (2) tiết kiệm thời giờ. Đây là nội dung tiết kiệm rất quan trọng, nhưng
nhiều người lại thường xem nhẹ, bỏ qua. Để mọi người thấu hiểu vấn đề này, Bác
Hồ đã khẳng định rằng: thời giờ là tiền bạc. Và Người đã có lời dạy rất sâu
sắc: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là
người ngu dại”. Người luôn nhắc nhở cán bộ và Nhân dân phải biết tiết kiệm thời
giờ cho mình và tiết kiệm thời giờ cho người khác. (3) tiết kiệm tiền của, theo
Bác Hồ, tiết kiệm tiền của có quan hệ mật thiết với tiết kiệm sức lao động và
tiết kiệm thời gian. Người luôn yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương,
tất cả cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý tiết kiệm tiền của của Nhà nước,
của Nhân dân và của chính mình.
Quán
triệt và thực hiện chữ “Kiệm” theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm vừa qua,
Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể, thiết thực. Ban Bí thư Trung ương Đảng
(khóa XI) đã ra Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 về đẩy mạnh thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị đã xác định rõ yêu cầu, nội dung, biện pháp cần
phải tiến hành của các cấp, các ngành, các địa phương. Quốc hội (khóa XIII) đã
thông quan Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị
định số 84/NĐ-CP, ngày 08/9/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí,… góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật
của Nhà nước vào cuộc sống.
Thực hiện các chỉ thị của Đảng, các văn
bản pháp quy của Nhà nước, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Quyết định số 5082/QĐ-UBND, ngày
16/12/2021 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, hằng năm ban hành
chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… qua 06 năm triển
khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai
đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ
đã đề ra hằng năm. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh
vực như: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động chi thường xuyên;
trong đầu tư, xây dựng cơ bản; trong các chương trình mục tiêu quốc gia; trong
quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên...
đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, tiết kiệm 10% số chi
thường xuyên được hơn 2,5 ngàn tỷ đồng; tiết kiệm hơn 2,7 ngàn tỷ đồng từ cắt
giảm, thu hồi kinh phí không giải ngân; hơn 1,6 ngàn tỷ đồng tiết kiệm từ cắt
giảm chi cải cách tiền lương, an sinh xã hội... đặc biệt hạn chế tối đa chi phí
tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, tiếp khách, đi công tác trong và
ngoài nước.
Tuy
nhiên, những kết quả trên chỉ là những bước đầu và hiệu quả đem lại chưa lớn,
chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực
hiện chữ “Kiệm” theo lời dạy của Bác Hồ, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn
vị, địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó, trước
hết cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ
nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo
dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động ở tất cả các
ngành, các cấp, trước hết là cán bộ chủ chốt, thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng
của việc học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí; việc triển khai thực hiện công tác thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí phải
gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận
số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) tiếp tục thực hiện Chỉ thị
số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ
hai, gắn các nội dung thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua
của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị với những chỉ tiêu cụ thể,
thiết thực.
Thứ
ba, động viên các tầng lớp nhân dân tích
cực tham gia giúp đỡ, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mỗi cá nhân, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải đặt ra những chỉ
tiêu phấn đấu cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo, chức
trách nhiệm vụ được giao.
Thực
hiện tốt các biện pháp trên, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân, trong đó, các đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, cán bộ lãnh đạo
chủ chốt các cấp phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong tổ chức thực
hiện. Chỉ có trên cơ sở như vậy, việc thực hiện chữ “Kiệm” theo lời dạy của Bác
Hồ mới ngày đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong giai đoạn cách mạng hiện
nay
Lăng Kim theo Cổng
thông tin điện tử Đồng Nai