Thực tiễn sản xuất truyền thống tốn nhiều nhân công
Qua
thực tiễn địa phương, được chứng kiến cảnh nông dân được mùa mất giá nhiều lần,
với kỳ vọng đưa công nghệ ứng dụng vào khâu sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp
giúp tăng giá trị cho nông sản, ThS. Hoàng Thị Trang (Trường Đại học Công nghệ
Đồng Nai) và đồng nghiệp của mình là ThS Lưu Hồng Quân, TS. Lê Thanh Lành đã
lên ý tưởng và thực hiện hoàn thành giải pháp nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy
rửa và phân loại xoài tự động.
Ý tưởng
của giải pháp xuất phát từ thực tế tại một số nhà vườn Đồng Nai mà nhóm tác giả
tìm hiểu được, hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại máy phân loại trái
cây được sử dụng, thế nhưng đa số các máy đều có công suất lớn, được ứng dụng
trong các nhà máy, xí nghiệp với quy mô
tầm cỡ và giá thành tương đối cao. Trong khi, ở nhiều nhà vườn, vựa trái cây,
nhu cầu về một chiếc máy có thể phân loại được khá phổ biến. Theo nhóm tác giả,
hiện khâu phân loại trái cây theo từng tiêu chuẩn mà thương lái yêu cầu hầu như
vẫn được thực hiện thủ công. Để tăng năng suất phân loại trái cây, góp phần
nâng cao giá trị sản phẩm thì vai trò của chiếc máy phân loại trái cây là cực kỳ
quan trọng. Đặc biệt, Đồng Nai được biết
đến là tỉnh có sản lượng xoài lớn. Vì vậy, nhóm quyết định thiết kế, chế tạo
máy rửa và phân loại xoài tự động.
Sau
3 tháng bắt tay vào việc thiết kế bản vẽ, lập trình, thi công cơ khí, điện…cho
ý tưởng giải pháp máy phân loại xoài tự động, sản phẩm hoàn thiện và hoạt động
được như ý với chi phí bỏ ra khoảng 60 triệu đồng với nhiều lần chỉnh sửa, thay
thế các chi tiết sao cho phù hợp. Máy có thể xử lý ảnh để phân biệt được màu
sắc của quả xoài. Từ đó, máy phân loại xoài theo kích thước, màu sắc rồi chuyển
ra băng chuyền rồi các bít tông sẽ đẩy xoài đã được phân loại vào các khay đựng
bên ngoài và hoàn tất quá trình phân loại. Toàn bộ quá trình này được thực hiện
hoàn toàn tự động.
Một số thiết kế phục vụ cuộc sống
Hiện
tại, máy có thể phân loại xoài thành 4 loại: xoài chín, xoài ương, xoài xanh và
xoài hư cần loại. Ngoài phân loại xoài, nhóm có thể phát triển sản phẩm để phân
loại các loại trái cây khác theo những tiêu chuẩn riêng mà khách hàng yêu cầu.
Máy đã hoàn thiện theo ý tưởng ban đầu, song đây mới chỉ là là mô hình, hoạt
động với công suất nhỏ. Nếu các vựa trái cây muốn chuyển giao công nghệ thì có
thể đầu tư máy có công suất lớn với chi phí khoảng 150 triệu đồng – ThS. ThS.
Hoàng Thị Trang cho biết. Ngoài ra, hiện nay. Đây cũng là mô hình trực quan
sống động phục vụ cho công tác giảng dạy sinh viên ngành công nghệ, qua đó tạo
điều kiện để sinh viên nghiên cứu, cải tiến công nghệ, máy móc phục vụ cho công
việc thực tế sau khi ra trường.
Một
nhóm tác giả gồm cô Trần Thị Phương Thảo, anh Nguyễn Văn Đạt và chị Đào Bảo Ánh
tại ấp Thanh Thọ, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú lại nghiên cứu chế tạo thành công một
chiếc xe xịt thuốc trừ sâu cho rau điều khiển từ xa, sử dụng năng lượng mặt trời.
Sáng
chế hữu ích này được thực hiện từ nhu cầu của gia đình. Theo chị Phương Thảo, gia đình chị làm nông nghiệp lâu năm, biết
được tác hại của việc phun thuốc trừ sâu, thế nhưng chưa có cách nào tránh được.
Năm 2019, khi chứng kiến người thân chị bơm thuốc trừ sâu cho lúa,
do chủ quan không đeo khẩu trang, chỉ mặc áo vải, đội mũ lá, cộng với bình bơm
bị rò cho nên đã bị thuốc ngấm vào da. Về đến nhà, khắp người nổi mẩn đỏ, chân
tay bủn rủn, choáng váng, phải đến bệnh viện điều trị và nghỉ làm nhiều ngày. “Phải làm thế nào tạo ra một sản phẩm giúp con
người xịt thuốc chăm sóc rau mà không phải tiếp xúc quá nhiều với hóa chất”, điều
đó đã thôi thúc chị làm làm một chiếc máy có thể hỗ trợ công đoạn này. Đến nay,
sau một năm chỉnh sửa hoàn thiện, máy đã hoàn chỉnh với đầy đủ các chức năng
đúng như chị Thảo mong muốn.
Máy
được thiết kế tự động hòa tan thuốc trừ sâu vào nước và phun tự động cho rau, với
tốc độ phun 1 lít/1 phút. Với thiết bị này, người phun chỉ cần chuẩn bị nước và
thuốc theo đúng tỷ lệ, đổ vào bình chứa là máy có thể hòa tan, bấm nút điều khiển
từ xa là xe tự động phun theo đúng yêu cầu. Máy có thể dùng năng lượng mặt trời
hoặc sử dụng pin sạc trong những ngày thời tiết râm mát. Với tổng chi phí sản xuất hơn 2 triệu đồng,
máy đã có thể vận hành ổn định. Chị
Phương Thảo cũng cho biết thêm, mô hình đã thử nghiệm
thành công trên một số vườn rau ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú từ
3/2020, quá trình phun diễn ra thuận lợi, lưu lượng phun đều trên luống rau. Máy có thể hoạt động ở quy mô nhỏ, phù
hợp với vườn rau có diện tích nhỏ.
Một
sáng chế phục vụ hữu ích cho khâu xới đất được anh Dương Lý Thuận (ngụ tại xã
Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) thực hiện thành công.
Chiếc
máy xới đấy còn có chức năng quan trọng là chà rong rêu, làm sạch tường nhà, nền
sân gạch…Máy được chế tạo dựa trên sự tận dụng máy móc, thiết bị cũ như: máy nổ
cũ của xe honda (mua từ tiệm phế liệu), sườn và bánh xe rùa cũ, các bộ phận
khác của xe cũng đều mua ở tiệm phế liệu…thế nên khi hoàn tất, chiếc xe có giá
chỉ trên 2 triệu đồng. Ý tưởng thực hiện một chiếc máy có thể cày xới đất, trồng
rau sạch phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của trẻ, nơi trường mầm non mà anh làm bảo
vệ được anh Thuận thực hiện từ năm 2018.
Khi chiếc máy hoàn thiện, toàn bộ khu vực đất trồng hoa, cây cảnh, rau sạch
của nhà trường đều được chiếc máy của anh Thuận thực hiện một cách nhanh chóng.
Thế nhưng, nhiều lần chứng kiến cảnh những bức tường rong rêu của nhà trường mất
thẩm mỹ phải mất nhiều ngày công để chà sạch, hay những lối đi trơn trượt do
mưa ẩm bám rong rêu gây nguy hiểm cho học sinh cũng như người qua lại, anh Thuận
lại nãy ra ý tưởng tích hợp thêm tính năng chà rong rêu vào trong chiếc máy xới
đất của anh để phục vụ được cho nhà trường nhiều hơn. Thiết bị này đã giúp cho
nhà trường rất nhiều trong việc cày xới đất trồng cây hoa kiểng, trồng rau sạch…Trước
đây, để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường phải huy động hết giáo viên, người
lao động trong nhà trường để chà sạch rong rêu, mảng bám. Từ ngày có chiếc máy
của anh Thuận thì hoàn toàn việc làm sạch cho nhà trường được thực hiện một
cách nhanh gọn, tương đương sức 4 – 5 người. Máy thích hợp với quy mô làm nông
nghiệp nhỏ.
Thanh Hải