22 năm gắn bó với cây táo
ừ giã nghề “gõ đầu trẻ”, anh Lê Văn Lợi (41 tuổi, ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) quyết định theo gia đình đến Đồng Nai lập nghiệp và bén duyên với nghề trồng táo, nhờ đó mà gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Đến xã Sông Nhạn hỏi thăm nhà anh Lợi ai cũng biết, bởi anh không chỉ làm kinh tế giỏi trong xã mà còn tạo ra vườn táo “độc nhất, vô nhị” để cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Hiện vườn táo của anh Lợi rộng 5.000m2 với 300 cây táo giống Gia Lộc với những gốc to đan xen với nhau tạo thành khung cảnh đẹp mắt.
Anh Lợi kể, trước đây, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm, anh bén duyên với nghề giáo 2 năm tại trường tiểu học ở Kiên Giang. Năm 1993, việc làm ăn dưới quê không đủ để lo cho gia đình nên bố anh quyết định bán hết ruộng vườn để lên Đồng Nai (chỗ ở hiện nay) lập nghiệp. Và kể từ đó, anh Lợi bỏ nghề giáo để theo bố đi xây dựng kinh tế mới.
Sau đó, do thấy cà phê được giá, bố anh quyết định đầu tư trồng trên mảnh đất 5.000m2 ấy. Tuy nhiên, 2 năm sau, cà phê xuống giá buộc bố anh phải chặt bỏ và chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái nhưng cũng không thành công.
Một lần về thăm quê, anh đem giống táo ngọt lên trồng dọc bờ ao trong khuôn viên vườn nhà anh với mục đích tạo bóng mát. Khi táo đến giai đoạn thu hoạch thì gia đình anh gặp khó khăn về đầu ra, vì lúc ấy nhiều người chưa biết đến loại trái này. Hàng ngày, vợ chồng anh kiên trì đi giới thiệu cho các khách hàng, tiểu thương, mời khách ăn miễn phí, đồng thời ký gửi tại các chủ sạp buôn bán rau, củ, quả mỗi nơi 5kg, khi nào bán được táo thì họ mới trả tiền.
Nói về những khó khăn trong những ngày đầu bán táo, anh Lợi nói: “Lúc ấy, vợ chồng phải đi “chào hàng” dữ lắm, nhiều lúc đi cả ngày chỉ bán được 40 - 50kg, với giá từ 3.000-5.000 đồng/kg. Đổi hướng, anh chở táo xuống các khu công nghiệp trong tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên, người dân nơi đây không chuộng táo ngọt nên lượng người mua rất ít. Nhiều thương lái gợi ý, nếu trồng được táo chua thì họ sẽ đặt với số lượng lớn nên anh mới về suy nghĩ lại.”
Lân la tìm hiểu và biết được giống táo chua có nguồn gốc từ huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương). Anh đã liên hệ và nhờ người chuyển từ miền Bắc vào 400 cây giống (giá 5.000 đồng/cây) để trồng tại khu vườn 5 sào. “Nói chuyển vào 400 cây giống chứ vận chuyển đường xa không giữ được độ ẩm nên cây bị mất sức và chết hết chỉ còn trồng được một nửa”, anh Lợi kể lại.
Khi trồng xuống đất, những cây táo phát triển chậm, anh quyết tâm chăm sóc chu đáo bằng cách tưới nước, bón phân đầy đủ. Nhờ vậy, cây đã sống và ngày càng phát triển tốt tươi. Hiện trong vườn của anh có 300 gốc táo được 22 năm tuổi (10% táo ngọt và 90% táo chua).
Anh Lợi kể: “ Lúc đầu người đân ở đây “dòm ngó” dữ lắm vì tôi làm những việc không giống ai, vì xung quanh khu vực ai cũng trồng cây tràm, cao su có mình tôi là trồng cây táo. Tuy nhiên, tôi không quan tâm người ta nói gì và quyết tâm làm bằng được”.
Mỗi năm, vườn táo của anh Lợi cho thu hoạch hai đợt, đợt 1 từ tháng 5 đến tháng 7 và đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Đến tháng 12, anh Lợi bắt đầu cưa hết cành chỉ giữ lại gốc để mùa sau cây mọc cành mới và cho năng suất cao hơn. Gần đây, nhiều người cũng tới tìm anh để học hỏi kinh nghiệm và xem giống cây trồng. “Từ hồi được khách biết đến, các bạn trẻ đến tham quan tôi thấy rất vui, thành quả 22 năm của mình được nhiều người biết đến. Gần đây, anh được Hội Nông dân của huyện mời lên chia sẻ kinh nghiệm nên anh rất vui mừng”, anh Lợi phấn khởi cho biết.
Từ khu vườn trở thành điểm du lịch
Chúng tôi đến nhà anh Lợi vào cuối buổi chiều thứ 7 khi anh tiễn khách ra về. Sau một ngày tiếp nhiều đợt khách vào thăm khu vườn, anh loay hoay dọn mấy vỏ chai nhựa. Ngồi xuống ghế, anh kể lại cuộc hành trình “làm nông” của anh với chất giọng đầy mộc mạc của người miền Tây.
Vườn táo Gia Lộc của anh mở cửa đón khách vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Mỗi khách vào khu vườn tham quan chụp ảnh và ăn thỏa sức với giá 15.000/người. Anh Lợi cho biết, những hình dáng cây táo đẹp theo tự nhiên, chứ anh không tác động vào. Công việc chính của anh là chăm sóc làm sao cho cây ra nhiều trái để hái bán kiếm tiền lo cuộc sống hàng ngày.
Những năm trước thấy vườn đẹp quá nhiều người xin vào chụp hình và mua táo về ăn. Từ đó, gia đình anh nghĩ ra hướng làm ăn mới là mở cửa vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần để du khách vào tham quan, chụp hình và thưởng thức món táo ngon. Gia đình anh Lợi cũng không tính “kinh doanh” gì là mấy vì giá vào cổng chỉ ngang với giá một ký táo. “Thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng mệt mỏi với các trường hợp khách vào vườn nghịch phá, họ chỉ ăn một nửa trái táo, còn một nửa đem vứt lung tung, hoặc họ hái trái non ném đùa giỡn nhau. Có ngày vợ chồng tôi phải dọn vườn mà thấy xót. Sau này, tôi làm bảng nội quy nhắc nhở và gần như không còn trường hợp nghịch phá nữa”, anh Lợi bộc bạch.
Ngoài cho khách tham quan vào vườn, anh Lợi còn đang ươm giống cây táo bán cho khách về nhà trồng. Trong những năm tới, anh còn mở rộng mô hình thành khu du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp.
Nguồn Báo Pháp Luật Việt Nam