Trên
địa bàn 2 huyện miền núi Tân Phú, Định Quán có hơn 10 hang động. Điểm chung của
các hang này là nằm trong rừng, vườn cây ăn trái, nơi có cảnh quan tự nhiên
đẹp. Vài năm trở lại đây, các hang động trở thành điểm đến hấp dẫn với du
khách, đặc biệt là những người đam mê du lịch trekking (hình thức du lịch mạo
hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã), du lịch phượt...
Nằm
ẩn mình trong các khu rừng, vườn cây, các hang động ở đây mang vẻ đẹp hoang sơ
kỳ bí, thu hút sự tò mò của du khách.
*
Một trong 5 hang dung nham dài nhất Đông Nam Á
Một
trong những điểm đến có nhiều hang động nhất ở 2 huyện Tân Phú, Định Quán là
hang Dung Nham hay còn gọi là hang Dơi. Gắn với mỗi tên gọi là những cách giải
thích khác nhau. Chẳng hạn như hang Dung Nham được lý giải là do quá trình tích
tụ và phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước ở vùng đồi núi này tạo nên các
hang động chạy dài trong lòng đất, phần dung nham còn lại bị hóa thạch tạo
thành lớp đông cứng bao bọc hang động. Các hang này về sau trở thành nơi trú
ngụ và kiếm mồi lý tưởng của nhiều loài vật, trong đó có loài dơi nên người ta
gọi là hang Dơi.
Trước
đây, các hang Dơi ít được người dân địa phương quan tâm. Năm 2014, các nhà khoa
học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam và Hội Hang động Berlin của Cộng hòa
Liên bang Đức đã tiến hành thực địa, khảo sát và đưa ra đánh giá, hang Dơi ở
Đồng Nai là một trong 5 hang dung nham dài nhất Đông Nam Á với tổng cộng 14
hang động, chiều dài 1,8km (trong đó Định Quán có 10 hang và Tân Phú có 4
hang).
Sau
khi những thông tin này được công bố, nhiều người đã tìm đến hang Dơi để tìm
hiểu, khám phá và hang Dơi trở thành điểm đến thú vị cho những người ưa du lịch
mạo hiểm. Hiện tại, các cơ quan quản lý cũng vào cuộc tuyên truyền để người
dân, khách tham quan có ý thức bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của hang động, cấm các
hoạt động săn bắt dơi để bảo tồn tự nhiên.
Anh
Văn Như Sương (ngụ xã Phú Vinh, H.Định Quán) cho biết, hồi nhỏ anh đã nghe nói
đến các hang động trong rừng. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,
người dân vùng đồng bằng lên rừng khai hoang làm rẫy đã phát hiện thêm nhiều
hang động. Do các hang đều nằm trong rừng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn,
trong hang thiếu ánh sáng, thiếu oxy, miệng hang nhỏ nên không nhiều người mạo
hiểm vào bên trong. Vài năm trở lại đây, nhiều đoàn du khách nước ngoài, các
bạn trẻ, sinh viên chuyên ngành địa chất, các nhà khoa học đến tìm hiểu, khám
phá và tham quan.
Dưới
tán lá rừng, anh Sương đưa chúng tôi đến một cửa hang nhỏ hẹp. Bên trong kẽ đá
chỉ đủ một người luồn qua là một thung lũng sâu hun hút, tối om và nặc mùi phân
dơi, một loại phân hữu cơ rất tốt cho trồng trọt.
Những
người từng khám phá hang Dơi chia sẻ, tuy các hang có cửa nhỏ và hẹp, nhưng bên
trong hang có thể rộng hơn chục mét, chiều cao khoảng 3-4m, lòng hang có hình
vòng cung được kết bởi những khối đá liền mạch. Hang dài nhất nằm tại xã Phú
Lộc (H.Tân Phú), nếu tính cả đoạn đứt gãy do sụt lún, hang này dài 534m.
Bên
trong lòng hang, các khối dung nham đông cứng tạo thành lớp bảo vệ vững chắc.
Khi rọi đèn pin vào lớp hóa thạch này có phản quang óng ánh khá đẹp mắt. Nếu
muốn khám phá hang Dơi, du khách phải trang bị cho mình đèn pin, đồ bảo hộ,
bình dưỡng khí. Nhiều đoàn khách cẩn thận phải thuê người dân địa phương dẫn
đường để tránh bị lạc. Thời gian thám hiểm tốt nhất là vào ban đêm, khi dơi bay
ra ngoài kiếm mồi.
*
Đưa vào quy hoạch khai thác điểm du lịch
Hiện
nay, các hang Dơi chưa chính thức được khai thác du lịch, tuy nhiên, một số đơn
vị kinh doanh lữ hành bắt đầu quan tâm và đưa hang Dơi trở thành một điểm đến
trong tour du lịch nghỉ dưỡng, trekking núi rừng.
Ông
Nguyễn Nho Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel (H.Định
Quán) cho rằng, hang Dơi là một điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài
nước. Xung quanh các hang Dơi là rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong
phú, thích hợp với du lịch dã ngoại, trekking.
“Thực
tế hiện nay đã có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, nhà khoa học, du khách nước
ngoài đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu về các hang động. Chúng tôi có thể
thiết kế tour du lịch núi rừng với các điểm dừng chân là Vườn quốc gia Cát
Tiên, Thác Mai - Bàu Nước Sôi, Khu du lịch Suối Mơ, di tích đá ba chồng và các
hang Dơi. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, cần phải có đề án khai
thác du lịch; phải tuyên truyền để người dân, du khách có ý thức giữ gìn khi
tham quan hang động” - ông Kiên cho hay.
Ông
Thiều Quang Tân, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán cho biết,
kiến tạo của địa chất đã tạo cho vùng đất Tân Phú, Định Quán một hệ thống sông
hồ, rừng tự nhiên và nhiều hang động đẹp. Một số đã và đang được khai thác du
lịch, tuy nhiên, còn rất nhiều hang động chưa có sự tác động của con người. Các
hang Dơi trên địa bàn nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi có hệ động
thực vật đa dạng, có khí hậu trong lành và mát mẻ quanh năm, có tiềm năng khai
thác du lịch. Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển du lịch H.Định Quán giai
đoạn 2020-2025, địa phương đã đưa các hang Dơi vào quy hoạch khai thác điểm du
lịch; đồng thời đề xuất công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia. Huyện
cũng kiến nghị Sở TN-MT, Sở NN-PTNT có hướng dẫn các biện pháp khai thác du
lịch gắn với bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của các hang động.
“Bằng
cảm nhận khách quan có thể thấy, hang Dơi là một cảnh quan kỳ thú của thiên
nhiên, có thể khai thác thành điểm thám du, dã ngoại thú vị cho nhiều người nếu
được đầu tư, khai thác hợp lý” - ông Tân nhấn mạnh.
Trong
quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng H.Định Quán đến năm 2030 và tầm
nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh cũng đề ra định hướng phát triển du lịch cho
H.Định Quán là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo
hiểm và khám phá gắn với bảo tồn rừng cảnh quan và bảo vệ sự đa dạng sinh học
của hệ sinh thái rừng. Các địa điểm để địa phương có thể khai thác du lịch là:
Khu du lịch Công viên đá ba chồng gắn với quần thể đá hoa cương (thuộc TT.Định
Quán); hang Dơi, hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. Cùng với đó là các
điểm đến quen thuộc Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi; Khu du lịch Thác Ba
Zọt; Cụm di tích Chiến thắng La Ngà.
Hiện
tại, một số đoàn du khách vẫn đến tham quan, khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của hang
Dơi, trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi Tân
Phú, Định Quán. Trong chuỗi hành trình trải nghiệm, nhiều người còn kết hợp với
chuyến du lịch trên sông La Ngà ngắm cảnh mây trời sông nước; leo núi hoặc đạp
xe xuyên rừng ở rừng phòng hộ Tân Phú; tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên với
không gian xanh mát, trong lành...