Định Quán - Xã Phú Vinh : noi-dung-tin Định Quán - Xã Phú Vinh
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Có thực mới vực được đạo Cập nhật31-08-2017 08:25
Lần đầu tiên tôi được gặp Bác trong một trường hợp khá đặc biệt: tôi đang bị mù cả hai mắt. Lần gặp ấy tuy ngắn ngủi chỉ vào khoảng ba mươi phút,, nhưng đã để lại trong lòng toi những kỷ niệm rất sâu sắc, suốt đời không bao giờ quên.

Đầu tháng hai năm 1960, huyện cho biết tôi được đi dự Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng toàn miền Bắc, họp ở Thủ đô Hà Nội. Nhận được tin­, lòng tôi vừa vui mừng, vừa buồn tủi. Vui mừng là vì tôi có dịp được thăm Thủ đô, được trao đổi những kinh nghiệm quý báu để trau dồi nghiệp vụ - hồi này tôi là đội trưởng đội văn nghệ xã. Buồn tủi là vì bệnh của tôi đang phát triển, hai mắt tôi lúc đó chẳng còn nhìn thấy gì cả, có được về Thủ đô dự Hội nghị thì cũng chỉ đến “nghe” được thôi, chứ không thể “thấy” gì được. Lại còn việc đi đứng ra sao. Mà có phải gần đâu: Từ thuở bé, tôi chưa được về Thủ đô bao giờ, nhưng cứ theo các cụ trong làng nói thì từ dãy nùi Khau Phạ của làng toi mà về đến Thủ đô cũng phải mất hàng mười ngày đường bộ mới tới. Bây giờ có ôtô, có tàu hỏa, ít nhất cũng phải mất ba ngày. Ở nhà, khi muốn đi đâu, tôi đều nhờ mấy đứa cháu dắt hộ. Còn về tận Thủ đo thì ai dắt? Chịu thôi, không đi được! Tôi đã nghĩ thầm như vậy.


Nhưng sau nhờ có sự khuyến khích chí tình của đoàn đại biểu Hà Giang, nhất là anh Tường, cán bộ văn hóa huyện đã hết sức giúp đỡ tôi lúc lên tàu, xuống xe, cuối cùng tôi và cả đoàn đã về đến Hà Nội và vào dự Hội nghị đúng ngày giờ triệu tập.

Tôi không kể lại nỗi vui mừng khi lần đầu tiên được về Thủ đô, được dự một Hội nghị lớn gồm hơn bốn trăm đại biểu và bổ ích như Hội nghị này. Tôi chỉ xin đi ngay vào ngày thứ hai của Hội nghị vì đó là ngày vinh dự nhất đời tôi; lần đầu tiên tôi đã được “gặp” Bác.

Tôi nhớ rõ hôm đó là ngày 11 tháng 2 năm 1960. Buổi sáng, giữa lúc một chị cán bộ phát hành sách báo ở Hải Phòng đang đọc báo cáo điển hình trước Hội nghị, bỗng tôi nghe thấy ôtô đỗ xịch trước cửa hội trường, đồng thời tiếng của Tường ngồi cạnh ghé vào tai tôi nói hấp tấp, cảm động “Hạp à, Bác Hồ…”. Tường chưa nói hết câu, tôi đã có cảm giác hội trường nhốn nháo cả lên, rồi hàng trăm tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm…!”. Tôi cuống quít, miệng muốn hô theo anh em nhưng anh em đã hô xong rồi, hai mắt tôi muốn căng lên để nhìn Bác nhưng nào có thấy gì! Tôi thấy tủi cực quá, chỉ muốn khóc. Cả đời tôi chỉ có một ước mơ là được gặp Bác. Thế mà bây giờ, có lẽ Bác đứng ngay kia, chỉ cách tôi có vài bước chân, tôi lại không nhìn được mặt Bác.

Bác Hồ hồng hào khỏe mạnh lắm, Hạp ạ!

- Tiếng của Tường thầm thì vào tai tôi.

- Có giống ảnh Bác treo ở nhà mình không?

- Tôi vừa hỏi lại Tường vừa nhớ đến bức ảnh Bác tôi đã treo ở phòng tôi từ trước khi tôi bị bệnh mắt.

- Giống lắm – Tường đáp – mà Bác có phần béo hơn cả trong ảnh.

Ngay lúc đó, tiếng ồn ào của hội trường lắng hẳn xuống. Và tiếng Bác – vẫn cái giọng miền Trung ấm áp ấy mà tôi đã từng nghe qua đài Tiếng nói Việt Nam – rành rọt.

- Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm các cô, các chú…

Tôi cảm động quá, nước mắt cứ chảy đầy cả hai má không sao ngăn lại được. Tuy mắt không nhìn thấy Bác, nhưng tai tôi sao nghe tiếng Bác rõ thế. Có lẽ ở đây tiếng nói của Bác đi thẳng đến tôi, không phải qua bao nhiêu núi, bao nhiêu khe như khi tôi nghe qua đài nữa. Có lẽ đúng như các cụ trong làng vẫn nói: người mù thường nghe thính hơn người sáng chăng? Tôi không bỏ sót một lời nào của Bác.

Sau lời hỏi thăm, giọng Bác vui vẻ hỏi các đại biểu:

- Các cô, các chú có đồng ý tiến lên chủ nghĩa xã hội không?

Cả hội trường vang lên tiếng đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Tôi vui sướng hô theo mọi người.

Bác nói tiếp:

- Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: “Có thực với vực được đạo” vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cảu nhân dân ta…

Thật giản dị và rõ ràng. Từng lời của Bác như thấm vào buồng gan, lá phổi của tôi. Ai là cán bộ văn hóa có mặt tại Hội nghị hôm ấy mà chẳng thấy lòng mình rộn lên niềm vui sướng khi được nghe Bác khen:

- Các cô, các chú vừa lao động sản xuất tích cực, vừa hoạt động văn hóa tích cực. Thế là tốt. Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục… Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất. Văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông. Nhiệm vụ của người cán bộ văn hóa là phải dùng văn hóa để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước…

Những lời Bác dạy đã làm tôi sáng mắt, sáng lòng. Bác ra về đã lâu rồi mà giọng nói trìu mến, yêu thương, ấm cúng của Người vẫn còn vang vọng trong lòng tôi.

Sau Hội nghị, Từ đưa tôi đến bệnh viện Mắt ở Hà Nội để khám nghiệm. Khám xong, bác sĩ Quang cho biết mắt tôi nếu mổ có thể khỏi được. Nhưng mắt tôi còn “non” chưa mổ được phải chờ sáu tháng nữa…

Trở về, tuy hai mắt vẫn chẳng nhìn thấy gì, nhưng với hình ảnh Bác trong lòng, nhớ tới những lời dạy bảo quý báu của Bác, tôi lại hăm hở lao vào công tác. Hoạt động của tôi vào hoàn cảnh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ mãi các cháu dắt đi đây đó cũng phiền, tôi quyết tâm tập đi một mình. Những ngày đầu thật là vất vả. Biết bao lần, đầu tôi va phải cột nhà, cành cây, hốc núi, đau điếng người, chỗ bị va sưng lên bằng quả ổi. Nhiều lần khác, chân tôi vấp phải cọc giậu hoặc đá suối toác da chảy máu. Lại có lần, đi qua cầu treo, tôi sẩy chân lộn xuống suối, đầu va vào đá, quần áo ướt hết… Lắm lúc tôi cảm thấy bất lực, chán ngán, không muốn hoạt động nữa. Chính trong những giờ phút yếu đuối ấy, giọng nói ấm áp của Bác lại văng vẳng bên tai tôi: “Các cô, các chú có quyết tâm không?”.

- “Thưa Bác, có ạ!”.

Hôm đó, cùng với hơn 40 đại biểu Hội nghị, tôi đã hứa với Bác như vậy. Đã hứa với Bác rồi, thế mà bây giờ mới gặp đôi chút khó khăn, chẳng lẽ lại chùn bước ư? Như vậy thì sao xứng đáng với những lời dạy bảo ân cần của Bác? Thế là tôi vùng dậy, tiếp tục hăng hái hoạt động. có thể nói suốt thời kỳ mắt tôi bị bệnh, tôi vẫn tham dự đều các cuộc sinh hoạt, các buổi diễn tập của đội văn nghệ, đi từng nhà đội viên lắm khi ở xa hàng ba, bốn cây số để giúp đỡ, uốn nắn, động viên từng người. Có những cuộc Hội nghị ở huyện cách xa nhà trên ba mươi cây số, tôi cũng chống gậy tới dự. Tôi vẫn tiếp tục sáng tác lời những bài hát dân ca, cải biên những điệu múa dân tộc, đạo diễn những vở kịch ngắn phục vụ kịp thời: để đội văn nghệ xã hội có đủ tiết mục biểu diễn phục vụ liên tục. Khi sáng tác cũng như lúc đạo diễn, phụ đạo, tôi đã làm theo đúng lời dạy ở Hội nghị là để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải có nội dung xã hội chủ nghĩa và hợp hình thức dân tộc.

Cuối năm 1960 nhớ lời bác sĩ Quang dặn, tôi chuẩn bị về Hà Nội để mổ mắt. Nền khoa học xã hội chủ nghĩa với những người thầy thuốc tận tụy, được Đảng và Bác Hồ bồi dưỡng, giáo dục ý thức phục vụ cao đã trả lại cho tôi ánh sáng như xưa. Không bút nào có thể tả hết nỗi vui mừng sung sướng của tôi được. Tường mạng đến cho tôi một bức ảnh của Bác và tươi cười bảo tôi: “Đây là ảnh Bác hôm đến thăm Hội nghị của chúng mình ở Thủ đô đấy…” tôi ngắm nghĩa mãi tấm ảnh Bác cho đến khi mắt tôi nhòa lệ… Bây giờ, mắt đã nhìn thấy rồi, tôi tha thiết ước mong lại được gặp Bác một lần nữa.

Chẳng bao lâu, ước mơ của tôi đã trở thành sự thật. Đầu tháng 5 năm 1962, tôi được đi dự Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Ba ở Thủ đô Hà Nội. Bác đã đến khai mạc Đại hội. Lần này, không những tôi được nghe lại giọng nói trìu mến, yêu thương, ấm áp của Bác, mà tôi còn tha hồ ngắm nhìn vầng trán rộng, đôi mắt sáng và hiền từ, chòm râu trắng như cước của Bác nữa. Da mặt Bác hồng hào, trông Bác còn đẹp hơn cả tấm ảnh mà Tường đưa tôi xem.

Hồi tưởng lại thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám tôi chỉ là một đứa bé mồ côi, nghèo đói mù chữ, sống một cuộc đời tối tăm ở chân núi Khau Phạ. Có nhưng năm mất mùa, đói quá, tôi phải theo người lớn vào rừng Nà Pòm đào củ đao, củ mài ăn trừ bữa. Thế mà ngày nay tôi đã thành một đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, một cán bộ văn hóa, một chiến sĩ thi đua của ngành. Tất cả vinh dự lớn lao đó đều là nhờ có cách mạng, có Đảng, có Bác dìu dắt, lãnh đạo. Đối với tôi, công ơn của Bác thật là cao hơn núi Khau Phạ, dài hơn suối Nặm Thị. Cũng chính nhờ có Bác, nhờ hình ảnh Bác luôn luôn ấp ủ trong lòng, mà tôi đã giữ vững được niềm tin trong những ngày đen tối của cảnh bệnh tật mù lòa để hết lòng phục vụ công tác.

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
New Page 1

UBND XÃ PHÚ VINH, HUYỆN ĐỊNH QUÁN, TỈNH ĐỒNG NAI

Tổng biên tập: Bà Thi Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh

Số giấy phép: 01/GP-TTĐT cấp ngày 6/12/2017. Cơ quan cấp phép: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai

Địa chỉ: Ấp 5, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0251.3851222; Email xã: ubndpv@gmail.com