Định Quán - xã Phú Túc : noi-dung-tin Định Quán - xã Phú Túc
Tìm kiếm:
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Theo Bác đi chiến dịch Biên Giới Cập nhật29-05-2017 09:39
Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật
1. Năm 1950, Bác đi chiến dịch biên giới. Đi theo Bác có một số đồng chí bảo vệ. Tôi cũng được đi cùng với Bác. Đồng chí Trung, người nấu ăn cho Bác được phân công ở lại trông cơ quan.

Chuyến đi khoảng hơn một tháng. Riêng đi bộ hết hai mươi chín ngày. Chuyến đi vất vả nhưng chúng tôi học được bao điều bổ ích. Tôi còn nhớ được một số mẩu chuyện nhỏ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi (12-1954)

 

Có một lần, đoàn đi mải miết suốt ngày, tối mịt mới về đến một bản của đồng bào dân tộc. Vừa đói, vừa mệt, nhưng nhìn Bác càng thấy thương hơn. Chúng tôi vào bản tìm mua cam để Bác ăn. Nhưng vì trời tối nên người ta bán đắt quá. Tám hào (tiền Đông Dương) một quả (ngày thường chỉ hai, ba hào). Chúng tôi mua nhưng vẫn lo bị Bác phê bình vì mua đắt. Đem cam về Bác bảo bóc ra để anh em cùng ăn. ăn xong tỉnh cả người, lúc đó Bác mới hỏi mua bao nhiêu tiền. Chúng tôi thưa mua tám hào một quả. Bác nói: "Đắt đấy, nhưng lúc này Bác cháu đang mệt, mua thế cũng được".

Một hôm đi mãi từ sáng đến trưa không nghỉ.

Chúng tôi mệt nhưng không dám đề nghị Bác cho nghỉ. Đến một đoạn đường có cây to, thấy nhân dân treo khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác cười vui vẻ hỏi: “Đố các chú đồng bào treo bảng gì kia?”. Anh em trả lời: “Thưa Bác, khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muôn năm ạ”. Bác cười mà nói: “Không phải, Hồ Chủ tịch muốn nằm đấy”. Được lời như cởi tấm lòng. Anh em đề nghị Bác cho tạt vào rừng nghỉ, Bác đồng ý.

Đường lên Cao Bằng càng lên càng dốc. Hết lên đèo lại xuống đèo. Một lần ngồi nghỉ giải lao, Bác chỉ đồng chí cùng đi người Cao Bằng và bảo: “Tỉnh chú lấy tên là Cao Bằng là không đúng”. Đồng chí kia chưa hiểu Bác định nói gì, thì Bác cười vui nói tiếp: "Cao Bằng gì mà càng lên cao càng dốc, theo Bác phải đặt tên là Cao Cao mới đúng". Hiểu ý Bác đùa, Bác cháu cùng cười vang, quên cả mệt nhọc.

 2. Lòng nhân ái của Bác Hồ đối với tù binh Pháp ở Mặt trận Biên giới 1950

Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật. Bác chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho phía Pháp rằng tựa sẽ trao trả tất cả số tù binh bị thương tại Thất Khê.

 

Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê

Giữa tháng 8 năm 1950, Ban Quân báo Mặt trận Biên giới triệu tập các cán bộ phụ trách chuẩn bị tài liệu về bố trí phòng ngự của Pháp ở Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê về Bộ chỉ huy chiến dịch nghe phổ biến chỉ thị.

Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh sẽ chọn tiêu diệt Đông Khê trước, đánh tiếp viện từ Thất Khê lên rồi sẽ đánh Thất Khê, Cao Bằng.

Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng thay mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng chiến dịch, nói lại lời Bác Hồ dặn lúc ra trận là ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn địch bố trí nhiều đơn vị lính Âu Phi tinh nhuệ nên cần chọn cán bộ quân báo thông thạo tiếng Pháp, quán triệt chính sách chủ trương khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đối với hàng binh, tù binh địch đã hạ súng.

Vì ngoài một số tên chỉ huy nặng đầu óc thực dân, đa số binh lính địch là người lao động đi lính cho Pháp vì nhiều lý do khác nhau, giác ngộ cho họ mục đích chiến đấu chính nghĩa của chúng ta, để họ trở thành người chống chiến tranh phi nghĩa, người dân lương thiện khi được trả về nước sau này.

Tôi trở về làm Phó trạm trưởng quân báo Đông Khê, khẩn trương chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực bước vào trận đánh quyết định đầu tiên. Tôi còn được lệnh chọn một mỏm núi đá cao gần Chỉ huy sở Bộ chỉ huy chiến dịch ở Nà Lạn, cách Đông Khê độ 10 km, có thể quan sát được tình hình các mặt trận từ Thất Khê lên Đông Khê và Cao Bằng. Vào buổi sáng ngày 16/9/1950, quan sát đài này được vinh dự đón Bác Hồ lên theo dõi trận đánh mở màn qua ống nhòm. Sự kiện này đã đi vào lịch sử qua bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An.

* Với lòng khoan dung, chúng ta sẽ nhanh chóng giác ngộ cho tù hàng binh địch

Sau hai ngày chiến đấu ác liệt ta tiêu diệt hoàn toàn cụm Đông Khê, diệt và bắt sống trên 300 địch gồm toàn bộ Bộ chỉ huy phân khu. Tôi ở lại kiểm tra, xác minh lại các tài liệu mà trước đây ta chưa nắm được.

Lúc này Trạm Quân báo Đông Khê được giao trông nom khoảng 20 sỹ quan và binh lính Âu Phi bị thương nặng không thể chuyển về tuyến sau được. Chúng tôi cùng các y sỹ, y tá chăm sóc họ trên tinh thần khoan dung mà Bác Hồ và Bộ chỉ huy mặt trận đã chỉ thị.

Tôi chia tốp tù binh này ra thành từng nhóm: Binh sỹ riêng, sỹ quan riêng mỗi nhóm ở một góc hang Ngườm Khảm, bản Bó Bạch và cho họ ăn cháo nóng ngay.

Chính nhờ thái độ nhân đạo này, các lính Âu Phi báo cho chúng tôi biết có viên quan ba, tên là Vô-le (Vollaire), chỉ huy phó Phong Khê, bị thương nặng, gãy 1 tay mất nhiều máu đang nằm lả ở góc hang đằng kia. Chúng tôi chăm sóc viên quan ba này chu đáo hơn, cho thêm thức ăn, thuốc lá làm cho y dần trở nên dễ gần hơn.

Và y bắt đầu tâm sự về gia đình, vợ con, việc từ một người tham gia giải phóng Paris (Pháp) sang Việt Nam đánh nhau ở chốn biên ải này. Cũng chính viên quan ba Vô-le này sớm lộ thông tin Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đang có chủ trương rút khỏi Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê về củng cố tuyến bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi liền cho liên lạc về báo cáo Ban quân báo mặt trận tin quan trọng này và được xác minh khớp với một số nguồn tin khác.

Sáng ngày hôm sau, khi Vô-le thấy chúng tôi uống trà sáng thơm thơm thì xin được uống một ca với thái độ thích thú, y khen nước trà gì mà thơm, uống vào thấy tim mình bớt rộn ràng, dễ chịu. Tôi giải thích đó là nước lá vối tươi mọc đầy ven suối quanh đây, Vô-le nói rằng đây chắc là một loại cây thuốc quý và xin được uống thường ngày.

Đang nói chuyện với Vô-le thì trinh sát ngoài đồn Đông Khê hớt hải về báo: Phi cơ địch vừa thả 2 quả bom có cột khói hình nấm đen lên cao và rất nóng làm nhiều chiến sỹ ta đang thu dọn trên Đồn Cao bị thương, bỏng rất nặng.

Tôi hơi hoảng, nghĩ rằng có lẽ Mỹ đã viện trợ cho Pháp loại bom nguyên tử chiến thuật như báo chí phương Tây rêu rao. Tôi đem tin này hỏi Vô-le, y lấy bàn tay trái còn lành lặn cầm bút chì tôi đưa viết nguệch ngoạch mấy chữ “NAPALM” và giải thích đấy là loại bom xăng đặc, tên là Napan rất lợi hại, phát minh mới của Mỹ.

Tôi liền viết báo cáo, cho người chạy ngay về Nà Lạn báo sự việc vừa xảy ra. Đồng chí Cao Pha, Trưởng ban quân báo cho biết Bộ chỉ huy chiến dịch gửi lời khen Trạm đã khai thác, báo cáo tình hình kịp thời giúp tìm ra biện pháp đối phó với bom Napan mới sau này.

Sau này Vô-le đã viết trong hồi ký của mình: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Cụ đã xem chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng, những quân nhân bị lừa phỉnh bởi những luận điệu tuyên truyền dối trá.

Sự giam giữ này không phải là sự trừng phạt mà là cơ hội cho những tù binh biến cải trở thành những chiến sỹ hòa bình…” (Theo tác giả Hữu Ngọc đăng trên báo Le Courrier du Viet Nam số 1857 ngày 27/2/2000).

Thế là đúng 50 năm sau, tôi ngẫu nhiên nhận được một phần thưởng thú vị, vì đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ.

 

*Bác gặp tù binh Pháp

Đồn Đông Khê bị đánh tan, trạm quân báo Đông Khê kết thúc nhiệm vụ. Tôi phân công các trinh sát viên đi theo các đơn vị chủ lực chuẩn bị chờ đánh binh đoàn Le Page (Lơ-pa) từ Thất Khê lên đón binh đoàn Charton (Sác-tông) bỏ Cao Bằng rút chạy.

Tôi và hai đồng chí anh nuôi và liên lạc thu xếp gửi 5 thương binh nặng của địch cho đơn vị bộ đội địa phương để chờ trao trả, còn 15 tù binh đã khỏe theo chúng tôi về trại. Chúng tôi về Bộ chỉ huy nhận nhiệm vụ xuống trạm Thất Khê. Chúng tôi vừa mang vác tài liệu thu được của địch, vừa gồng gánh nồi niêu xoong chảo lại còn đèo bòng 15 “Ông Tây” to lớn thì quả là lúng túng.

Đồng chí liên lạc hiến kế lột giầy, tất treo lên cổ tù binh là hắn hết chạy chốn dọc đường, thấy hợp lý là chúng tôi thực hiện ngay.

Đoàn về qua Nà Lạn, gần Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới, Bác trông thấy một tù binh áo rách tả tơi, Bác bảo đồng chí phục vụ lấy một cái áo trong ba-lô đem ra cho.

Sau đó Bác gọi đồng chí Cao Pha – Trưởng ban quân báo đến bảo: “Sao chú cho lột giày tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ!”.

Qua chuyện này, tôi vô cùng ân hận vì Bác nhắc nhở rất đúng. Từ đó về sau tôi tự nhủ phải luôn sửa mình, sống cho nhân hậu với mọi người, kể cả họ là kẻ thù đã buông súng.

Một hôm khác, Bác muốn đi gặp tù binh. Để giữ bí mật, Bác hóa trang giống như một chiến sỹ bị thương. Bác đến trạm, ba sỹ quan gồm quan tư A-li-úc (Allioux), tiểu đoàn trưởng, trưởng đồn Đông Khê và hai quan hai đứng dậy khi Bác vào.

Bác nói ngay bằng tiếng Pháp: “Tôi tự giới thiệu, tôi là Việt kiều ở Pháp đã tham gia cùng nhân dân Pháp chống Phát xít Đức. Nghe lời kêu gọi của Chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về nước cùng đồng bào tôi kháng chiến. Còn các anh đến đây làm gì?”.

Tên quan tư trả lời: “Chúng tôi đến đây theo lệnh của cấp trên”. Bác nhấn mạnh: “Các anh đều là những kẻ thực dân. Nhân dân Việt Nam chống đế quốc xâm lược để bảo vệ Tổ quốc của mình, cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức trước đây…

Bây giờ các anh đã bị bắt làm tù binh, các anh phải tuân theo những quy định của trại. Sau này nếu các anh có thái độ tốt thì tôi sẽ đề nghị Chính phủ Việt Nam cho các anh hồi hương. Các anh có kiến nghị gì thì gửi lên cho tôi theo địa chỉ này: Nguyễn Thắng – Cố vấn Chính trị mặt trận”.

Các sỹ quan Pháp lặng lẽ cúi đầu suy nghĩ. Còn chúng tôi đứng xung quanh thì hớn hở, lần đầu tiên được nghe Bác Hồ nói tiếng Pháp vô cùng chuẩn xác với giọng Pa-ri trầm ấm và truyền cảm. Chúng tôi học được cách đối nhân xử thế của Bác vô cùng hợp lòng người, dù đó là kẻ mới vài ngày trước là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta.

* Đêm lửa trại chưa từng thấy

Sau chiến thắng Biên giới – 1950, số tù binh rất đông, có nhiều người bị thương rất nặng. Đó là một gánh nặng quá lớn với ngành hậu cần. Bác đã chỉ thị phải cứu chữa tận tình cho thương binh địch, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men lương thực ta không hề dư dật. Bác chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo cho phía Pháp rằng tựa sẽ trao trả tất cả số tù binh bị thương tại Thất Khê.

Đồng chí Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308, được phân công làm nhiệm vụ trao trả thương binh địch cho Hồng thập tự Pháp. Đồng chí triệu tập Ban chính trị – địch vận của Đại đoàn và Trưởng trạm quân báo Thất Khê đến bàn tổ chức một đêm lửa trại theo kiểu Hướng đạo sinh để bộ đội ta chào mừng chiến thắng giòn giã chiến dịch Biên giới và gây ấn tượng sâu sắc đối với thương binh địch mà đồng chí biết trong số họ thể nào cũng có nhiều người trước đây là Hướng đạo sinh Pháp (nguyên văn đồng chí nói là: Scout de France).

Đồng chí Cao Văn Khánh giao Trưởng ban chính trị – địch vận đại đoàn lo chuẩn bị và điều khiển nội dung chương trình cho sôi nổi, liên tục và hoành tráng; và giao cho tôi – Trưởng trạm quân báo (trước cũng là một hướng đạo sinh ở Huế cùng với đồng chí Cao Văn Khánh) lo vật chất, tức là chuẩn bị củi đủ cho một “đài lửa” thật lớn đảm bảo cháy suốt 4-5 tiếng đồng hồ.

Trong đêm lửa trại, hầu hết thương binh địch đều có mặt, kể cả thương binh nặng nằm trong lều nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng vỗ tay vọng vào cũng xin các anh chị hộ lý khiêng cáng ra dự cuộc vui. Quanh đống lửa hồng bốc cao sáng rực, các chiến sỹ, bác sỹ, hộ lý, dân công hỏa tuyến ta hát vang các bài ca Cách mạng. Các thương binh địch hát các bài ca quê hương mình bằng tiếng Pháp và các thứ tiếng Âu, Phi.

Bất ngờ một tù binh bị thương nào đó hô to: “Vive Ho-Chi-Minh!” (Hồ Chí Minh muôn năm!) thì tất cả thương binh đồng loạt hô theo.

Một thương binh địch ôm cánh tay cụt đứng dậy nghẹn ngào nói bằng tiếng Pháp: “Tôi là người Đức bị Pháp bắt làm tù binh rồi ép sang đây làm lính lê dương. Năm năm rồi tôi rất khổ mà không thèm khóc. Tối hôm nay tôi khóc vì sung sướng.

Tôi không bao giờ quên được buổi tối hôm nay. Mãi mãi khi nhớ tới buổi lửa trại này tôi sẽ lại khóc. Cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những tiếng hô “Vive Ho-Chi-Minh!” lại rộ lên hưởng ứng câu nói của anh thương binh người Đức.

“Đúng thật lòng họ! Hay quá! Y dịch lại cho bộ đội mình nghe ngay đi”, đồng chí Cao Văn Khánh thốt lên. Tôi bật dậy dịch to, chậm rãi từng ý của anh thương binh người Đức vừa nói. Lập tức các đơn vị bộ đội dự lửa trại hô vang liên tiếp: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” và đồng loạt vỗ tay rần rần.

Hôm sau, trong lúc đang tiến hành trao trả tù binh bị thương cho phía Pháp, một tù binh nằm trên cáng xin được ở lại đi chuyến sau và xin được gặp người cán bộ quân đội Việt Nam phụ trách việc trao trả và nói:

“Tôi suốt đời sống cô đơn, xung quanh tôi chỉ là sự lừa gạt. Tôi căm ghét tất cả, kể cả đàn bà đẹp. Vì thế tôi vào lính lê dương để bắn giết, để trả thù đời. Đêm hôm qua tôi không ngủ. Tôi kêu khát năm lần. Cả năm lần cô y tá đều mang nước đến cho tôi với vẻ mặt dịu hiền.

Tôi hỏi cô vì sao cô không căm ghét tôi? Cô trả lời: “Nếu gặp anh ngoài mặt trận, tôi sẽ bắn anh như bắn một con chó dại. Nhưng ở đây, anh là kẻ bại trận, anh đã bị thương, chúng tôi đối xử với anh như những con người”.

Tôi chỉ còn sống ít ngày nữa, nhưng thời gian ngắn ngủi đó là quãng đời đẹp nhất của tôi. Quân đội ông sẽ thắng quân đội Pháp. Ông hãy tự hào. Xin ông nhận lấy lời chúc mừng đầy kính trọng của một kẻ bại trận, bại trận mà sung sướng! Vĩnh biệt ông”.

Chúng tôi cảm nhận được những thái độ, những lời nói này của tù binh địch bị thương nặng là những cảm xúc thực sự xuất phát từ đáy lòng họ qua những ngày sống dưới sự quản lý của quân đội chúng ta đã thấm nhuần chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trước lúc ra trận, nhất là các lời dặn dò nhân hậu của Bác luôn vang vọng trong trí óc của chúng tôi cho đến tận bây giờ.

Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2007

Cám ơn Bác Phạm Y

(Cựu chiến binh tại mặt trận Biên giới 1950)

3. Bác Hồ với vị tướng Trần Canh, tại chiến dịch Biên giới năm 1950

Đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, Bác Hồ thực hiện một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô. Ngày 2-1-1950, Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh, từ Tuyên Quang đi bộ tới Trùng Khánh  tỉnh Cao Bằng, rồi đi tiếp đến Long Châu, Quảng Tây. Đến đây, Bác bắt được liên lạc với bạn. Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bố trí xe đón đoàn đi Nam Ninh, từ đó đoàn đi xe lửa đến Bắc Kinh. Bác làm việc ở Bắc Kinh một tuần, sau đó Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh đi xe lửa liên vận đến Liên Xô

Ngày 16-2-1950, Nguyên soái Stalin mở tiệc chiêu đãi đại biểu sứ quán các nước XHCN tại Mát-xcơ-va nhân dịp Liên Xô và Trung Quốc ký  “Hiệp ước Tương trợ Đồng minh hữu hảo Xô-Trung” ngày 14-2-1950. Stalin tự xếp chỗ ngồi gần Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Sau buổi tiệc, Stalin mời Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang phòng riêng để trao đổi về việc Liên Xô, Trung Quốc giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp.

Chuyến đi bí mật này, Bác đã thành công ở cả hai phương diện chính trị và ngoại giao, đó là chuyến đi lịch sử làm tiền đề cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Liên Xô, giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước XHCN khác. Ngày 11-3-1950, Bác và đồng chí Trần Đăng Ninh về đến Bắc Kinh, giữa tháng 4 -1950, Bác mới về đến Tuyên Quang.

Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7-7, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở đường nối liền Việt Nam với các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần chiến dịch. Trung tuần tháng 9-1950, Hồ Chủ tịch lên đường đi chiến dịch.

Đầu năm 1950, Trung tướng Trần Canh đang chỉ huy quân đội trên chiến trường Vân Nam (khi đó Vân Nam chưa giải phóng). Thực hiện cam kết không thành văn giữa nguyên soái Stalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Trung Quốc giúp Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân điều động Trung tướng Trần Canh về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc  gồm 14 đồng chí sang Việt Nam. Ngày 7-7, đoàn Cố vấn Trung Quốc  xuất phát từ Côn Minh đi đến Thái Nguyên. Tại một nhà sàn đơn sơ trên chiến khu, Bác Hồ cảm kích gặp lại người bạn. Bác Hồ và Trần Canh đã là bạn cũ của nhau. Tháng 5-1924 Trần Canh học khóa 1 trường Quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu, còn Bác Hồ khi đó là thư ký của Phái bộ Brôđin - Cố vấn Chính trị của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Tôn Trung Sơn, khi đó hai người thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác.

Ngày 16-9-1950, chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận đánh Đông Khê tỉnh Cao Bằng, đến trưa 18-9 kết thúc thắng lợi. Trong niềm vui lớn, Bác Hồ viết tặng Trần Canh một bài thơ bằng chữ Hán. Theo nguyên bản tài liệu trong “Nhà kỷ niệm Trần Canh” Bài thơ này có nội dung như sau:

Huề trượng đăng cao quan trận địa

Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân

Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu

Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

Dịch:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Đọc xong bài thơ, Trần Canh rất cảm kích, vui vẻ nói với Bác Hồ: “Hồ Chủ tịch đã hạ quyết tâm như thế, thì một mống quân Pháp cũng chạy không thoát!”.

Ngày 8-10-1950, Bác viết thư biểu dương các chiến sĩ ngoài mặt trận và gửi tặng Trần Canh bài thơ thứ hai:

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm, tỳ bà  mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

Dịch:

Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly

Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi

Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc

Không tha quân địch một tên về.

Từ 10-9 đến 23-10, quân Pháp tháo chạy khỏi Thất Khê Cao Bằng, Na Sầm, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Ta hoàn toàn phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng của biên giới Việt - Trung được củng cố và mở rộng, chiến khu Việt Bắc được nối liền với các tỉnh và với các nước XHCN anh em. Đây là chiến dịch tiến công trên qui mô lớn đầu tiên của quân đội ta, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta. Trong bữa tiệc mừng thắng lợi, Hồ Chủ tịch tặng tướng Trần Canh hai câu thơ :

Loạn thạch sơn trung cao sỹ ngọa

Mậu mật lâm lí anh hùng lai.

(Tạm dịch: Ẩn sĩ nơi núi đá. Anh hùng chốn rừng xanh. TG).

Qua những bài, câu thơ Bác tặng Trần Canh trên đây, đủ thấy tình cảm của Bác Hồ quí trọng vị tướng

Trần Canh đến mức nào! Ngày 11-11-1950, Tướng Trần Canh tạm biệt Hồ Chủ tịch và Việt Nam về nước nhận nhiệm vụ mới.

4. Bác Hồ ra mặt trận

Nhìn lại các cuộc chiến tranh hiện đại trên thế giới, hiếm thấy những vị nguyên thủ quốc gia tối cao trực tiếp đi chiến trường. Riêng Bác Hồ của chúng ta đã ra tận mặt trận, đi suốt Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, cùng Bộ Chỉ huy làm nên một chiến thắng to lớn chưa từng có trước đó, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang một giai đoạn lịch sử mới...

Do mối quan hệ công tác tuyên truyền báo chí, tôi được quen biết Thiếu tướng tình báo quân sự Cao Pha, nguyên Phó cục trưởng Cục II, Bộ Tổng tham mưu, khi anh đã vào tuổi xế chiều, về công tác ở Ban Tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng. Anh cho tôi xem bản thảo cuốn hồi ký và nhờ tôi giúp một tay. Được gặp và trực tiếp làm việc với Bác Hồ nhiều lần, lại được Bác chỉ bảo hết sức ân cần như một người cha nhân từ, nhiều trang hồi ký của anh thấm đẫm tình yêu quý Bác vô bờ. Anh phụ trách Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Về chuyện Bác Hồ ra mặt trận, anh kể lại: Tháng 8-1950, các hoạt động chuẩn bị chiến trường bước vào hồi kết, rất gấp rút và tấp nập. Hàng vạn nhân dân Liên khu Việt Bắc vô cùng nô nức, phấn khởi đi phục vụ Chiến dịch với khí thế tưng bừng “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng!”. Vậy mà, quân Pháp đóng dọc đường số 4 không hề hay biết, không hay biết cả đài quan sát của ta đã đặt trên sườn núi chỉ cách thị xã Cao Bằng non một cây số theo đường chim bay và cơ sở của ta vào ra thị xã báo cáo rất rõ tình hình địch.

Khi anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) có mặt ở sở chỉ huy, nghe báo cáo phương án ban đầu đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng do bộ phận đi trước chuẩn bị, anh chưa có ý kiến gì, nhưng có nhiều suy nghĩ. Theo chỉ thị của anh Văn, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái cử Cao Pha tháp tùng anh đi trinh sát thực địa. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ý định viết cuốn ký sự, được anh Văn đồng ý đi cùng.

Trên thực địa và trên đài quan sát, anh Văn được báo cáo khá đầy đủ, chi tiết về tình hình các bến hai con sông ta phải vượt qua, các bãi trống địch có thể nhảy dù và đổ quân, đặc biệt là các “pháo đài” kiên cố, nơi có sở chỉ huy, sân bay, các ổ đề kháng hình thành các cụm cứ điểm vững chắc của lực lượng địch tương đương một trung đoàn. Anh Văn khen ngợi đồng chí Quốc Trung, Tổ trưởng Quân báo Cao Bằng đã nắm địa hình và địch tình khá tốt. Đêm đó, về nghỉ trong một ngôi làng bỏ hoang, anh Văn đi đi lại lại, đăm chiêu và thức rất khuya.

Anh chỉ thị cho Bộ tham mưu tập trung trao đổi kỹ về chỗ mạnh, yếu của địch, khó khăn, thuận lợi, nhất là khả năng bộ đội ta có đánh thắng được cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc của lực lượng tương đương một trung đoàn địch không?

Từ đầu cuộc kháng chiến đến giờ, ta chưa có trận đánh nào vào cứ điểm phòng ngự của 2 tiểu đoàn địch, chưa có kinh nghiệm. Vận chuyển hàng vạn người, vũ khí, lương thực qua sông rất khó khăn. Nếu trận đánh kéo dài, địch đổ quân sau lưng, sẽ diễn biến rất phức tạp. Binh hỏa lực của ta chưa hơn hẳn và áp đảo địch, không bảo đảm chắc thắng. Anh Văn quyết định thay đổi phương án tác chiến.

Chính vào lúc mọi người bàn luận sôi nổi kế hoạch chiến đấu, sở chỉ huy chiến dịch vô cùng phấn khởi được báo tin Bác Hồ lên Mặt trận. Anh Văn tươi cười nói với mọi người: “Có Bác ở bên cạnh, mình càng thêm an tâm, tin tưởng”…

Khi Bác đến sở chỉ huy và bắt tay vào việc, anh Văn báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị mọi mặt của chiến trường và phương án tác chiến mới: Không đánh vào tập đoàn cứ điểm kiên cố ở thị xã Cao Bằng để mở màn chiến dịch, mà đánh cứ điểm Đông Khê - chỗ yếu và hiểm yếu của địch, bảo đảm đánh thắng trận đầu, buộc địch kéo viện binh lớn đến để ta tiêu diệt, rồi tiến công Thất Khê, Cao Bằng trong các bước tiếp theo…

Bác hỏi: “Ý kiến của Đảng ủy Mặt trận và các cố vấn Trung Quốc thế nào?”.

Anh Văn trả lời: “Tập thể Đảng ủy, các đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh cố vấn Trung Quốc đều nhất trí cao…”.

Bác hạ bút phê chuẩn phương án tác chiến mới.

Chiều ngày 11-9, hội nghị cấp trung đoàn trở lên quán triệt phương án tác chiến mới, hết sức phấn khởi chào đón Bác đến huấn thị. Với giọng nói ấm áp, vui tươi, thân mật, nhưng cũng rất kiên quyết, Bác bảo: “Trận này nhất định phải đánh thắng. Phải quyết tâm giành chiến thắng ngay trong trận đầu và các trận tiếp theo. Phải giữ bí mật, đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, đặc biệt là đoàn kết quân, dân. Các chú phải làm cho đúng kế hoạch. Đoàn thể, Quốc hội, Chính phủ đang chuẩn bị khen thưởng và chờ tin chiến thắng…”. Hội nghị vỗ tay vang dậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt hội nghị xúc động phát biểu: “Đây là lần đầu tiên Bác ra tận mặt trận gặp cán bộ và bộ đội… Sự có mặt của Bác ở mặt trận là nguồn cổ vũ to lớn không những đối với các lực lượng tham gia giải phóng biên giới mà cả đối với toàn quân ta đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận từ Cao Lạng cho đến Cà Mau… Toàn thể lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch này xin hứa với Bác kiên quyết, dũng cảm chiến đấu để giành toàn thắng…”.

Ngày 13-9, Bác rời Sở chỉ huy Tà Phầy Tử về Sở chỉ huy mới ở Nà Lạng. Anh Văn đề nghị Bác đi bằng xe Jeep, nhưng Bác bảo để Bác đi bộ vừa tự do, vừa gặp bộ đội, dân công cho vui và để động viên. Với bộ quần áo nâu bạc màu, mũ đội sụp xuống dưới trán, chiếc khăn trên vai che chòm râu, Bác chống gậy lên đường, dáng dấp trông rất khỏe mạnh.

Ở Nà Lạng, sau khi đi thăm nơi ăn ở của hai đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh, Vi Quốc Thanh, anh Văn bảo Cao Pha ghé vào thăm Bác. Lán của bác ở trên sườn núi đá cách Sở chỉ huy không xa.

Bỗng chợt nhận ra đây là cơ hội “ngàn năm có một”, Cao Pha mạnh dạn đề nghị anh Văn xin được gặp Bác. Anh Văn đồng ý. Sau khi thăm Bác, anh Văn báo cáo với Bác “có cậu Cao Pha Đơ Bê” (Tiếng Pháp là Deux B, viết tắt hai chữ Deuxième Bureau, tức Phòng Nhì, tên gọi Phòng tình báo) muốn được thăm và hầu chuyện Bác. Bác gật đầu.

Cao Pha vô cùng xúc động khi thấy bữa cơm trưa của Bác chỉ có một đĩa nhỏ thịt rim, một đĩa rau cải luộc và bát nước rau. Chỗ ngủ của Bác là mấy tấm ván kê trên những tảng đá. Tất cả chỉ có vậy thôi. Cuộc sống của một vị Chủ tịch nước sao mà bình dân, giản dị, bữa ăn đạm bạc quá!

Nhận ra Cao Pha đang rất lúng túng, Bác chủ động nói trước: “Chú đấy à”. Sau khi nghe Cao Pha xưng tên và chức vụ, Bác lắng nghe Cao Pha nói chuyện, dáng vẻ Bác rất thân ái, đôn hậu, không có gì cách biệt cả.

- Thưa Bác, chiến dịch này có Bác trực tiếp chỉ đạo, cán bộ ở Bộ Tham mưu và chỉ huy các đơn vị phấn khởi và quyết tâm càng cao. Riêng cháu, được gặp Bác lần này là lần thứ ba. Lần đầu tiên sau ngày giành chính quyền ở Huế, ngày ấy cháu là sinh viên học trường Thanh niên tiền tuyến, được cử đưa Bảo Đại ra gặp Bác. Khi trở về, Bảo Đại nhờ cháu trực tiếp chuyển quà và thư cho Hoàng hậu Nam Phương. Hoàng hậu Nam Phương vô cùng vui sướng và xúc động nói với cháu: “Trên đời này, ít ai như Cụ Hồ, đã tha tội còn dùng ngài Hoàng làm Cố vấn cho Chính phủ. Ơn đức này của Cụ Hồ với chúng tôi lớn lắm, không gì có thể đền đáp được. Tôi hằng mong ngài Hoàng sống tốt với nhân dân, chính nghĩa và chính mình…”. Vậy mà Bảo Đại trước sau vẫn đi theo đế quốc Pháp. Nghe Cao Pha nói lại chuyện cũ, Bác Hồ không nói gì, chỉ cười rất vui. Cao Pha nói tiếp: “Lần thứ hai, cháu được gặp Bác là ngày khai giảng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1, Bác đến huấn thị, ngày ấy cháu được điều về làm giáo viên. Cháu vẫn nhớ như in và nguyện suốt đời phấn đấu làm theo lời căn dặn ngày ấy của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân; nhân nghĩa, trí dũng; cần kiệm, liêm chính; chí công vô tư”. Và lần này, cháu vô cùng hạnh phúc được trực tiếp thăm sức khỏe Bác, được phục vụ Bác trong chiến dịch, được Bác cho phép gặp và hầu chuyện…

Bác rất vui trước thái độ chân thành của Cao Pha. Bác hỏi tình hình địch có gì thay đổi không? Bác chỉ chỗ Cao Pha ngồi gần lại, rồi ân cần căn dặn:

- Trận này ta đánh lớn, nhất định thắng. Nhưng địch không dễ dàng chịu thua. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi thật chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể, thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Thế nào bộ đội ta cũng bắt được nhiều tù binh địch. Các chú phải coi trọng giải thích rõ chính sách tù, hàng binh của ta cho họ rõ để họ yên tâm. Làm công tác này, các chú phải sử dụng tiếng Pháp thật tốt.

À, chú chuyển lời Bác báo lại với Ban Tuyên huấn chú ý tờ báo của Mặt trận. Phải tuyên truyền các chiến thắng, gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, những gương phục vụ tốt, tận tụy của đồng bào các dân tộc. Phải viết thật ngắn gọn, dễ hiểu và kịp thời, để động viên bộ đội, dân công và nhân dân.

Ta đánh lớn và đánh dài ngày, cần nhiều lương thực và đạn dược. Bạn có giúp cho ta, nhưng ta phải huy động nhiều trong dân. Đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng rất hăng hái đóng góp tuy cuộc sống còn thiếu thốn lắm. Phải hết sức tiết kiệm.

À, suýt nữa quên, chú nói với anh Văn ngày mai Bác muốn đi quan sát trận địa…

Cao Pha không ngờ được Bác tiếp chuyện gần một tiếng đồng hồ, ấn tượng sâu sắc nhất là Bác căn dặn những điều rất thiết thực nhưng lại rất quan trọng, Bác mặc bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi trên ván kê trên đá như ông lão nông dân, thái độ niềm nở, ân cần, ánh mắt nụ cười đôn hậu như cha con.

Cao Pha báo cáo lại với anh Văn đầy đủ tất cả những điều căn dặn của Bác. Anh Văn nói với Cao Pha: “Cậu thấy không, Bác rất khỏe và minh mẫn, da mặt hồng hào, 60 tuổi vẫn đi bộ lên mặt trận… một con người thật kỳ diệu…”.

 Sưu Tầm​

Bác đến (14/06/2017)
Theo dấu chân Bác (29/05/2017)
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.