Thống Nhất - Xã Gia Tân 3 : Quá trình xây dựng nông thôn mới Thống Nhất - Xã Gia Tân 3
Chào mừng quý vị đến với Website xã Gia Tân 3 huyện Thống Nhất
Tìm kiếm
 

Liên kết

 
 

Website trong Tỉnh

 
 

Website các Tỉnh

 

Lượt Truy Cập
 

Nội dung

 
Bắc Giang xây dựng thành công nông thôn mới nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở Cập nhật22-10-2021 09:25
Phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đóng vai trò quan trọng để triển khai thuận lợi xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang thời gian qua. Thực tế triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang cho thấy, quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng, tạo nguồn lực lớn để xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể quan tâm, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, nhiều chương trình, mục tiêu của tỉnh, quốc gia đã được thực hiện thuận lợi, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đơn cử như xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đã vận dụng tốt quy chế dân chủ, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

207_potal_bac_giang_1.jpeg
Những cánh đồng mẫu lớn ở thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú, huyện Lục Nam(Bắc Giang) được hình thành từ chính sách dồn điền đổi thửa cho năng suất cao hơn. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Nguyễn Văn Thảo cho biết: Hạ tầng nông thôn được xem là tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nên việc thực hiện, áp dụng quy chế dân chủ đòi hỏi phải hết sức bài bản. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ", mọi kế hoạch triển khai đã được các cấp chính quyền lên kế hoạch chi tiết hằng năm. Người dân được tham gia, đóng góp ý kiến trong các khâu lựa chọn các công trình, hình thức tổ chức xây dựng, các chính sách về huy động nguồn lực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Những thắc mắc, kiến nghị cơ bản đều được giải quyết kịp thời. Người dân tự nguyện đóng góp, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào hiến đất làm đường giao thông, đóng góp vật chất, công sức... cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại địa phương.

Với kinh nghiệm 10 năm làm trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Trần Chính Khương chia sẻ: Các Tổ dân vận phải nghiên cứu kỹ nghị quyết, chính sách…, họp quán triệt nội dung để khi trình bày trước nhân dân sao cho dễ hiểu, hợp tình, hợp lý. Với những khó khăn và vấn đề nảy sinh trong công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa, các thành viên tổ dân vận phải kiên trì tuyên truyền, vận động cho đến khi nhận được sự đồng thuận, tuyệt đối không được ép buộc người dân.

Trong quá trình thực hiện, nhân dân bầu ra nhiều tổ giám sát từ khi lên phương án thi công đến công tác thanh, quyết toán ngay sau khi hoàn thành.

Kết quả, vừa qua xã Đông Phú đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó thôn Thanh Sơn được công nhận là nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, trong nhiều năm nay toàn xã không có đơn, thư khiếu nại nào. Diện mạo nông thôn mới đổi thay, đường giao thông của xã cứng hóa 100%, nhà văn hóa to đẹp hơn, có khu vui chơi cho trẻ em và khu tập thể dục thể thao, những cánh đồng mẫu lớn thẳng tắp chạy dài cho năng suất cao hơn. Chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền địa phương. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân đối với mọi chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương nơi đây.

207_potal_bac_giang_2.jpeg
Đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Ông Nguyễn Đình Lý, người dân tại thôn Thanh Sơn vui mừng chia sẻ: Nhờ có chính sách dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông nông thôn, người nông dân được giải phóng sức lao động. Trước đây, đường nội đồng, đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp, quanh co, khó đi, giờ máy cày, ô tô chở lúa, nông sản từ cánh đồng về tận sân nhà. Do đó, hầu hết người dân đều tin tưởng, ủng hộ kế hoạch, chính sách của chính quyền địa phương. Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng đường giao thông, được chính quyền địa phương giải thích, ông và gia đình đã tự nguyện đóng góp gần 20 triệu đồng cho xây dựng đường giao thông tại địa phương.

207_potal_bac_giang_3.jpeg
Tổ dân vận, cán bộ xã thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú, huyện Lục Nam đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong chính sách dồn điền đổi thửa. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, do yêu cầu từ thực tiễn, đòi hỏi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần được quan tâm hơn nữa, đi vào thực chất hơn. Vừa qua, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành các Chỉ thị 09 và 57 về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; về quy trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ cụ thể, bài bản, chặt chẽ hơn. Cùng đó, Ban Dân vận, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng phát hành sổ tay về quy chế dân chủ ở cơ sở đến tận thành viên, thành lập trang điện tử trên ứng dụng Zalo để cập nhật thông tin về quy chế dân chủ ở cơ sở và tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân.

Theo Lê Danh Lam (dantocmiennui.vn)

 

Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.