MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (PHẦN 4) – CÁC HÀNH VI LỢI DỤNG, LẠM DỤNG CHỨC VỤ,
QUYỀN HẠN TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số
114-QĐ/BCT ngày 11/7/2023 quy định về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong
đó xác định “Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá
nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá,
lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân
công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động,
luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức
vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tạm đình chỉ, đình
chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm
tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối
với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ”.
Tại Điều 3 của Quy
định xác định các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công
tác cán bộ cụ thể như sau:
1. Dùng uy tín, ảnh
hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để
người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu
quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý
mình.
2. Để người có quan
hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín
của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.
3. Lồng ghép ý đồ cá
nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi
hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
4. Chỉ đạo, tham mưu
các khâu trong công tác cán bộ theo quy định đối với nhân sự không đủ điều
kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết
định.
5. Trì hoãn, không
thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý
mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.
6. Khi nhận được đơn,
thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong
công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm
quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
7. Xác nhận, chứng
thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự
thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy
phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự
hoặc để đạt mục đích cá nhân.
8. Cung cấp hoặc tiết
lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có
thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang
trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Việc quy định cụ thể
các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết
định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp