Kỷ niệm ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng
Ngày 9/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống tham
nhũng (viết tắt là IACD), được khởi xướng kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp
quốc về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003. Đây là sự kiện thường niên do
Liên hợp quốc tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham
nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, và vinh danh những người chống tham
nhũng trong cộng đồng và chính phủ của họ.
Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm nay nhấn mạnh
quyền và trách nhiệm của tất cả mọi người - bao gồm các quốc gia, quan chức
chính phủ, công chức, nhân viên thực thi pháp luật, truyền thông, khu vực tư
nhân, công chúng, thanh niên,… trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng. Trong
đó, Liên hợp quốc lưu ý rằng, không chỉ các quốc gia cần đoàn kết và đối mặt
với vấn đề toàn cầu này mà mỗi người dân, bất kể già hay trẻ đều có vai trò
quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng.
Theo Liên hợp quốc, để đạt được điều này, cần có các
chính sách, hệ thống và biện pháp để người dân có thể lên tiếng và nói không
với tham nhũng. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng nhấn mạnh trách
nhiệm của các Chính phủ trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người
tố giác để đảm bảo rằng họ được bảo vệ khỏi hành vi bị trả thù. Các biện
pháp này góp phần tạo ra các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch,
hướng tới một nền văn hóa liêm chính và công bằng.
Theo Liên hợp quốc, tham nhũng ảnh hưởng đến tất cả
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phòng chống tham nhũng mở ra tiến trình hướng
tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững, giúp bảo vệ hành tinh của chúng ta, tạo
việc làm, hướng tới bình đẳng giới và bảo đảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ
thiết yếu như chăm sóc y tế và giáo dục.
Chiến dịch này cũng nhằm chia sẻ những
cách làm hay và những điển hình về phòng, chống tham nhũng trên toàn thế giới
thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng; phát triển
các giải pháp sáng tạo; tận dụng sự tham gia của giới trẻ;…/.
Điểm TTKHCN Xã