Ngày 02/12/2024, xã Ngọc Định tổ chức lễ mít
tinh và diễu hành với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, học sinh, đoàn
viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn, để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia
phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12.
Chủ đề năm 2024 “Công bằng, bình đẳng trong
tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào
năm 2030”.
Hơn 30 năm phòng,
chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng
trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự
phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ
HIV/AIDS, nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên
trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về
HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên
trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS
cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.
Chấm dứt
dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là như thế nào?
Ngày 14/8/2020,
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng,
chống HIV/AIDS[1] cho
giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc
xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp
thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù
hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành
Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Chấm dứt dịch bệnh
AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do
AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm
HIV phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm. (Hiện nay >10.000
trường hợp/năm).
- Tỷ lệ người
nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (Hiện nay, ước
tính 3,5 người/100.000 dân).
- Tỷ lệ lây truyền
HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).
1. Tình hình dịch HIV tại địa bàn huyện và
tại địa phương
Trong năm 2024, toàn huyện ghi nhận 11 ca nhiễm mới và 02 ca tử
vong. Tính đến ngày 31/10/2024, toàn
huyện có 359 người nhiễm HIV được
quản lý.
Tại địa
bàn Ngọc Định tính
đến nay có 27 người nhiễm HIV được quản lý, 11 người tử vong và 16 người nhiễm HIV/AIDS còn sống.
2. Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS
vào năm 2030
Đứng trước tình hình
dịch HIV/AIDS như phân tích ở trên, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Phòng, chống
HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có những văn
bản đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh
phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu cộng nghiệp. Ngành y tế các
tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp
xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ
dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện.
Đối với các trường
đại học, trung học chuyên nghiệp: các hoạt động truyền thông tăng cường cung
cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác
hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các sự kiện
truyền thông lớn và các buổi offline với quy mô vừa và nhỏ cần được triển khai
thường xuyên hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV/AIDS cao
như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương...
Đối với Ngành Y tế và Liên đoàn lao động các tỉnh/thành phố, đặc biệt ở các
tỉnh/thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp: cần có kế hoạch phối hợp triển
khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các hoạt động truyền thông và cung
cấp dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV cho công nhân, lao động nhằm bảo vệ sức
khỏe và an toàn cho lực lượng lao động trước tác động của HIV/AIDS. Tăng cường
các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin,
truyền thông... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện
và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các
công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng
điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn.
Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng đã có đóng góp phát hiện mới hơn
50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia
điều trị dự phòng, hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị sớm ARV và đặc
biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh
nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều
trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội,
y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như
cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại
Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nhóm nam
quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.