Với chủ đề “Đoàn kết - Sáng tạo - Trách nhiệm - Phát triển”, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội các cấp vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đẩy mạnh, mở rộng việc tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới, nhất là các đối tượng trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân… Qua đó, tiếp tục góp phần xây dựng hình mẫu nông dân Đồng Nai “5 mới” thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Có tư duy mới, có nhận thức mới, có kiến thức mới, có đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới.
Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Xuân Lộc từ các cấp cơ sở hội đã tích cực phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên nông dân; tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước ấy, đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, biết ứng dụng các tiến bộ khoa kọc kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, hình thành chuỗi sản xuất đa giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Những thành tựu đó, được hun đúc từ tình cảm yêu quê hương đất nước, tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Xuân Lộc đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương. Trình độ, học vấn của nông dân cũng từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng được đổi mới, dần dần thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo; độ tuổi trung bình của nông dân khá cao; thu nhập đã được tăng lên nhưng còn nhiều khó khăn; trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng lao động của nông dân còn thấp; nông dân còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng tham gia thị trường; người nông dân vẫn còn sản xuất theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, tự túc, tự cấp;…
Xuất phát từ hạn chế nêu trên, để xây dựng người nông dân Xuân Lộc có đủ đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện Xuân Lộc theo Đề án “ Xây dựng Huyện Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 đã đề ra việc lan toả hình mẫu người nông dân mới - nông dân chuyên nghiệp là một trong những nhiệm vụ đột phá quan trọng, cần sớm triển khai thực hiện. Vì vậy, muốn đạt được những yêu cầu đó, đòi hỏi người Nông dân cần phải được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng về mọi mặt. Theo đó, hình mẫu “Người nông dân 5 mới” phải có đó là: Tư duy mới; Nhận thức mới; Kiến thức mới; Đời sống văn hóa mới; Quyết tâm mới. Hình mẫu Người nông dân “5 mới” được gắn với 10 tiêu chí:
(1) Có trình độ, kiến thức, khoa học kỹ thuật tương ứng: Có nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cộng đồng, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên. Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp.
(2) Lành nghề về nông nghiệp: Không ngừng học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.Tiếp cận các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ nông nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nắm bắt thông tin kịp thời và có hiệu quả về tình hình thị trường, giá cả, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
(3) Có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công: Tiếp cận về cách sử dụng máy móc, Ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, làm việc hiệu quả hơn và giảm bớt thời gian làm việc thô sơ, thủ công; các ứng dụng tin học quan trọng (app Nông dân Việt Nam, đọc email, các trang web điện tử, sàn thương mại điện tử,...), dịch vụ công cộng.
(4) Có thể lực, trí lực: Tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn. Tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện...
(5) Biết giữ gìn và hưởng thụ văn hóa: Có lối sống lành mạnh, cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng pháp luật, quy ước cộng đồng; tinh thần tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm tập thể, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đức tính lao động chăm chỉ, trung thực trong giao thương và hợp tác sản xuất, nâng cao tính kỷ luật lao động. Thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng dân cư tiên tiến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.
(6) Kết hợp bản chất cần cù, sáng tạo: Tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…
(7) Có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo: Tạo ra môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi, cung cấp hỗ trợ vốn, đầu tư mở rộng quy mô, chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất, đầu tư vào giáo dục giúp nông dân có ý chí vươn lên và không cam chịu đói nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương.
(8) Biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh: Tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử giúp hội viên nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
(9) Có ý thức bảo vệ môi trường: Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện; Có sáng kiến,phát minh mang tính khoa học được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
(10) Có tình cảm tốt đẹp đối với gia đình, xã hội: Đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tham gia tích cực các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.
Nhằm tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng hình mẫu “Người nông dân 5 mới”, giai đoạn 2024 - 2028, các cấp Hội Nông dân trong huyện cần quan tâm triển khai thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện các tiêu chí “Người nông dân 5 mới” thông qua các cuộc hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm,sinh hoạt chi, tổ Hội nông dân, câu lạc bộ, nhóm,…Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Fanpage, zalo…). Qua đó,phát động thi đua thực hiện tiêu chí “Người nông dân 5 mới” trong hội viên, nông dân.
Thứ hai, tăng cường tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình xây dựng hình mẫu người nông dân trong thời kỳ hội nhập; cần chủ động, tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để hoạch định các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn chất lượng cao. Tập trung nâng cao trình độ, học vấn, đào đạo nhân lực cho nông dân gắn với quá trình xây dựng nền nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số và nền kinh tế số. Khuyến khích nông dân tiếp cận Internet, tự học tập để nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ,… trên nền tảng công nghệ số.
Thứ ba, tổ chức vận động và hỗ trợ người nông dân tham gia xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường năng lực liên kết “sáu nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà phân phối), nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập của hộ nông dân. Triển khai tích cực các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thứ tư, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng đồng nghĩa với việc phát triển con người toàn diện, bền vững.
Thứ năm, tăng cường vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh và đội ngũ hội viên Hội Nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh và kỹ năng tham gia thị trường, tự chủ và chủ động trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn và sự đột phá về hiệu quả kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, từ kết quả tiêu chí “Người nông dân 5 mới” đạt được hàng năm gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững. Các cấp Hội kịp thời phát hiện biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm hiệu quả từ cơ sở, những tấm gương nông dân vượt khó, thành đạt tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội từng bước phát triển, vững mạnh.
Tích cực giới thiệu, nhân rộng cá nhân điển hình tiên tiến cho các cơ quan thông tấn, báo chí; phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng đưa tin tuyên truyền gương nông dân vượt khó; thông qua Hội nghị tuyên dương, hội thi, kể chuyện, xây dựng kỷ yếu và thông qua trang website, trang mạng xã hội Facebook, Fanpage, zalo, tờ tin và trong các buổi sinh hoạt chi tổ Hội,… tạo sức lan toả trong việc thực hiện hình mẫu “Người nông dân 5 mới”.
Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương Xuân Lộc anh hùng, cùng với ý chí khát vọng vươn lên của Nông dân Xuân Lộc, tin tưởng rằng thời gian tới, các cấp Hội trong huyện sẽ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện hình mẫu “Người nông dân 5 mới” đạt hiệu quả, xây dựng người nông dân Xuân Lộc có đủ đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện Xuân Lộc hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững vào năm 2025