1. Không được tự ý
dừng xe người đi đường
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ
tuần tra, kiểm soát chỉ được phép dừng xe người đi đường trong 04 trường hợp
sau:
1 - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương
tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm giao thông
và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
2 - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm
soát phương, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được
phê duyệt.
3 - Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ
trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương
tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi
vi phạm pháp luật khác.
4 - Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của
tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia
giao thông.
Ngoài các trường hợp đã nêu, CSGT không được tùy tiện yêu cầu người tham gia
giao thông dừng xe.
2. Không được rút chìa khóa xe của người vi phạm
Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA nêu rõ quyền
hạn của CSGT trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:
1 - Được dừng các phương tiện.
2 - Được áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý
vi phạm về giao thông, trật tự xã hội và các vi phạm pháp luật khác.
Trong đó, các biện pháp ngăn chặn hành vi hành
chính được quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm:
Tạm giữ người; áp giải; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ
hành nghề; khám người; khám phương tiện, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật,
phương tiện; quản lý người nước ngoài vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục
xuất;…
3 - Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân
phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông.
4 - Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương
tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ
trợ.
5 - Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số
đoạn đường, phân lại luồng, tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện khi xảy ra
ách tắc, tai nạn giao thông…
6 - Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng
Công an nhân dân.
Đối chiếu với quy định trên, có thể thấy,
việc rút chìa khóa xe của người
tham gia giao thông không thuộc quyền hạn của lực lượng CSGT.
Do đó, CSGT khi yêu cầu dừng xe không được phép tự ý rút chìa khóa của
người tham gia giao thông, dù họ có thực sự vi phạm hay không.
3. Không được tự ý khám người và phương tiện
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA,
khi dừng xe để kiểm soát việc thực hiện các quy định về giao thông, CSGT được
kiểm tra các nội dung sau:
- Kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và
phương tiện
- Kiểm tra điều kiện tham gia giao thông của
phương tiện: hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên
thành xe, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát việc chấp hành quy định về hoạt
động vận tải đường bộ.
Theo đó, CSGT có quyền yêu cầu người điều
khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, kiểm tra các điều kiện về hình thức của
phương tiện nhưng không được
tùy tiện khám người, phương tiện.
Bởi theo khoản 1 Điều 127 và khoản 1 Điều 128
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, việc khám người, khám phương tiện chỉ được phép tiến hành khi có
căn cứ cho rằng:
- Người đó cất giấu trong người đồ vật, tài
liệu, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
- Trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất
giấu tang vật vi phạm hành chính.
4. Không được nhận tiền của người vi phạm
Khi xử lý vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 22
Nghị định 19/2020/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi sau:
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu,
đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền
của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, khi yêu cầu người tham gia giao thông
dừng xe để xử phạt vi phạm, CSGT
không được lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, đòi, nhận tiền của người dân.
Nếu vi phạm quy định này mà bị phát hiện,
chiến sĩ CSGT đã nhận tiền của người vi phạm giao thông có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cao
nhất là buộc thôi việc.
Không những vậy, CSGT nhận tiền của người vi
phạm còn có thể bị truy cứu
trách nhiệm về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ
luật Hình sự. Mức phạt thấp nhất với tội này là từ 02 - 07 năm tù.
Lưu ý: Trường hợp duy nhất CSGT được nhận tiền từ người vi phạm
là khi thu tiền phạt tại chỗ đối với các lỗi vi phạm có mức phạt tiền từ
250.000 đồng trở xuống đối với cá nhân hoặc từ 500.000 đồng trở xuống đối với
tổ chức
5. Không được truy đuổi người vi phạm
Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA,
CSGT có quyền yêu cầu người đi đường dừng xe nhưng phải bảo đảm an toàn, đúng
quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Tuy nhiên, việc có cho phép CSGT truy đuổi
người vi phạm hay không thì hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn
bản pháp luật liên quan đều chưa có quy định cụ thể.
Việc truy đuổi thường chỉ diễn ra trong trường
hợp truy đuổi tội phạm hoặc khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng có
khả năng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người tham gia
giao thông khác.
Thực tế có không ít trường hợp CSGT truy đuổi
người vi phạm dẫn tới xảy ra tai nạn giao thông nên một số địa phương đã
có những quy định trong ngành, nội bộ CSGT không nên truy đuổi người vi phạm
giao thông.
Trong trường hợp vi phạm hành chính đơn thuần,
CSGT có thể áp dụng các biện pháp khác để xử lý người vi phạm bỏ chạy như:
Thông báo đến tổ tuần tra đang chốt chặn phía trước; ghi lại biển số hoặc thông
qua camera giám sát để phạt nguội…