Theo một số tài liệu
nghiên cứu và qua tìm hiểu thực tế, được biết trên địa bàn huyện Tân Phú và
Định Quán (tỉnh Đồng Nai), có 11 hang dung nham, với tổng chiều dài 1,8km; Phần
lớn nằm trên địa bàn xã Phú Tân, Phú Lợi huyện Định Quán, xã Phú Lộc huyện Tân
Phú và 01 hang nằm trên địa bàn xã Gia Canh huyện Định Quán. Trong đó, hang
động dài nhất nằm tại xã Phú Lộc huyện Tân Phú; do hang có nhiều dơi sinh sống
nên người dân nơi đây gọi là hang Dơi. Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ,
đứt gãy, tạo ra hai hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2; giữa hai hang Dơi này có
một đoạn khoảng 10m bị đứt gãy do đất đá chèn vào; vì thế, nếu tính tổng cộng
cả hai thì hang dơi này có tổng chiều dài 534m và được coi là hang
dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á; các hang này được hình thành bởi những
dòng dung nham núi lửa phun trào cách đây hàng triệu năm.
Bên trong lòng hang dơi tại xã Phú Tân
Theo chân đoàn cán bộ
khảo sát của Ban quản lí di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu thêm
về hang dơi; chúng tôi được ông Nguyễn Văn Trạng (sinh sống và làm rẫy tại địa
bàn xã Phú Tân), dẫn vào thám hiểm hang dơi nằm trên phần diện tích đất canh
tác của gia đình ông. Do thường xuyên dẫn các đoàn vào tham quan nên ông
Trạng đã chuẩn bị sẵn một số đèn soi đội đầu cho đoàn và một cây đèn măngsông
lớn; sau khi trang bị đèn cho từng người, ông cầm theo cây đèn măngsông dẫn
chúng tôi đi vào hang dơi. Miệng hang ở đây rộng hơn 3 m, đủ để cho từ 2 đến 3
người cùng chui vào một lúc. Càng tiến sâu vào bên trong, mức độ nguy hiểm càng
cao do môi trường khắc ngiệt như thiếu ôxy, ánh sáng và mùi hôi đặc trưng của
phân dơi. Do đó, nếu không có những thiết bị hỗ trợ cần thiết, thì không
thể vào sâu khám phá được. Ngoài việc khám phá hang dơi trên, ông Trạng còn dẫn
chúng tôi tới quan sát 3 hang nữa cũng ở khu vực rừng giá tỵ ( tại km 122 và
123 cách quốc lộ 20 chừng 200 đến 400 m). Điểm chung của các hang này là còn
hoang sơ, ẩm mốc, cửa hang và lòng hang khá hẹp, trừ trường hợp có 01 hang nằm
trong khu vực rừng giá Tỵ khá lớn với chiều cao 4m, lòng hang rộng khoảng 10m.
Theo ông Trạng, nhiều năm qua đã có một số đoàn khách trong và ngoài nước đến
tham quan, khảo sát các hang dơi ở khu vực này; tuy nhiên, chưa ai dám mạo hiểm
tìm hiểu hết những hang động; vì vậy những hang dơi ở đây vẫn còn những điều bí
ẩn, chưa được khám phá.
Tuy không có được vẻ
đẹp lỗng lẫy như những hang động được hình thành từ núi đá vôi ở Vườn quốc gia
Phong Nha- Kẻ Bàng và còn khá hoang sơ, cũng chưa được khai thác; nhưng với
những gì mà chúng tôi được biết và khám phá, thì quần thể hang động dung nham
núi lửa độc đáo ở Định Quán và Tân Phú cũng có thể thu hút bất cứ ai muốn khám
phá du lịch mạo hiểm và đi tìm vẻ đẹp kì thú mà thiên nhiên nơi đây ban tặng
cho chúng ta. Khám phá hang dơi chắc chắn sẽ đem đến cho chúng ta một cảm giác
khó quên; nhưng cũng không kém phần mạo hiểm; nếu không được trang bị đèn pin,
bình oxy và các vật dựng cần thiết khác thì không nên vào sâu; bởi có nhiều
nguy hiểm rình rập như: thiếu Oxy, rắn, rết sinh sống trong hang…
Ngày nay, nhắc đến
Định Quán người Việt Nam trên mọi miền của đất nước không chỉ nhắc đến “đá
Chồng” vẻ đặc trưng có một không hai mà thiên nhiên dành tặng riêng cho con
người nơi đây; Thác Ba zọt, thắng cảnh nổi tiếng trên dòng sông Đồng Nai và
Thác Mai dịu dàng như dải lụa đào trên sông La Ngà nằm ẩn mình trong khu
rừng thiên nhiên kì thú cộng với hồ nước nóng; Thiên nhiên còn ban tặng thêm
cho Định Quán hàng loạt các hang dơi nằm ẩn mình trong các khu rừng, tạo nên
khung cảnh hoang sơ kì bí để người Định Quán có thể tự hào về sự “giàu có” mà
ít nơi nào sánh kịp. Đây cũng là thế mạnh để trong tương lai không xa, Định
Quán có thể khai thác tiềm năng du lịch.
Nguồn:Quang Tân