Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), trên thị trường đang xuất hiện thêm các sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra khí (làn hơi/khói) để hít vào.
Trên thế giới, mỗi năm có 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi ngày có xấp xỉ 21.000 người chết và trung bình 4 giây có 1 người chết do thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, gần một nửa nam giới hút thuốc (chiếm 45,3%), tỷ lệ hút thuốc ở nữ là 1,1% (GAST 2015); độ tuổi từ 13 – 15 tuổi thì số lượng nam hút thuốc chiếm 4,9%, nữ là 0,2%;…
Thành phần độc tính của khói thuốc
- Chất nhựa hắc ín (Tar).
- 7000 chất độc hoá học.
- 67 chất gây ung thư.
- Các-bon mô nô-xít (CO).
- Chất Nicotin: một điếu thuốc chứa 1-3mg.
- Chất khác: Benzen, Nitrosamin, Amoniac.
Thành phần Nicotin:
FDA xếp Nicotin vào nhóm có tính chất gây nghiện chủ yếu, tương tự như ma tuý Heroin và Cocain. Nicotin tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, một hoá chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết adrenaline (nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi, ức chế co bóp và chế tiết dịch vị dạ dày). Nicotin có ở não chỉ 7 giây sau hút.
Khí CO: Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy. Với người hút trung bình một bao thuốc mỗi ngày thì hàm lượng Hb khử có thể tới 7-8%. Sự tăng Hb khử làm chuyển dịch đường cong phân tách oxy-hemoglobin dẫn đến thiếu oxy tổ chức và góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Các phân tử nhỏ trong khói thuốc: Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày - lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.
Các chât gây ung thư:
Trong khói thuốc lá có gần 70 chất trong số đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene có tính chất gây ung thư. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.
Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ. Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Sử dụng thuốc lá điện tử gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn có tác hại, mà chưa phát hiện thấy ở thuốc lá điếu thông thường, là liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI); nhồi máu cơ tim.Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), ghi nhận trong một vài năm trở lại đây tính đến ngày 18/02/2020, chỉ riêng ở Mỹ đã có 68 ca tử vong và 2.807 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Tại Việt Nam, cũng đã phát hiện một số trường hợp tương tự.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo số liệu thống kê về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ 2 người có 1 người hút thuốc. Bên cạnh đó, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá.
Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em ,vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.
Khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Trong bút vape (vếp) chứa chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
Song song đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.
Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các có trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ... Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường.
Theo WHO: tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. WHO kêu gọi thực các quốc gia hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá thay vì sử dụng các sản phẩm đang được quảng bá sai lệch là ít có hại hơn thuốc lá thông thường.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội, kinh tế, môi trường và sự phát triển bền vững.
Thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6 - 15% tổng chi phí y tế. Tại Việt Nam, theo ước tính của các chuyê gia, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 67.000 tỷ đồng.
Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.
Tiêu dùng thuốc lá điện tử ảnh hưởng tới đói nghèo, phát triển bền vững. Các hãng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.
Thuốc lá điện tử không được coi là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm từ các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy: Cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm
Từ những tác hại trên, mong các bạn trẻ không sử dụng, không lôi kéo, rủ rê người khác tham gia hút hít, không vận chuyển, không mua bán tàng trữ chất gây nghiện. Không hút thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu.