Phước Thiền nằm gần các Khu công nghiệp tập trung của huyện nên lượng công nhân từ các tỉnh, thành khác về sinh sống và làm việc trên địa bàn xã khá đông. Do đó, dẫn đến nhu cầu học tập của con em họ cũng tăng lên. Để giải quyết được nhu cầu cấp thiết này thì việc tạo điều kiện để phát triển các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng là rất quan trọng. Riêng đối với giáo dục mầm non, trong những năm qua, xã Phước Thiền đã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất hệ thống mầm non công lập, cũng như tạo điều kiện cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục hoạt động, góp phần giải quyết nhu cầu học tập của các cháu thường trú cũng như tạm trú trong độ tuổi từ 1-5 tuổi trên địa bàn xã. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã Phước Thiền hiện có 24 cơ sở mầm non ngoài công lập với 1568 cháu được gửi tại các cơ sở này. Trong đó, các cháu thuộc lớp nhà trẻ chiếm khoảng 26,11%, lớp mầm chiếm khoảng 29% , lớp chồi chiếm khoảng 40,9% và lớp lá chiếm khoảng 3,7% ). Tổng số giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn xã khoảng trên 142 người. Mỗi cơ sở đều có 01 cán bộ quản lý là chủ cơ sở. Các cơ sở tự tuyển dụng giáo viên, giáo viên được tuyển dụng đáp ứng yêu cầu và qui định về trình độ chuyên môn, đối với các trường hợp chưa có bằng cấp chuyên môn thì phụ lớp. Tất cả các giáo viên, nhân viên làm việc ở các cơ sở mầm non tư thục đều được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn VSATTP và tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và được trả lương và các chế độ khác đúng theo quy định của pháp luật…
Nhằm tạo điều kiện cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục hoạt động có hiệu quả, ngoài việc thực hiện theo Thông tư Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động Trường Mầm non tư thục, các điều kiện thành lập trường như: quyết định thành lập trường, giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành…Đối với các cơ sở đang hoạt động chưa có giấy phép thì hướng dẫn, hỗ trợ để chủ cơ sở hoàn thiện để được cấp phép theo quy định. Song song đó, UBND xã cũng thường xuyên triển khai, hướng dẫn các quy định mới liên quan đến hoạt động của các cơ sở này. Bên cạnh đó, xã cũng đã tổ chức các lớp học chuyên môn (bảo mẫu), các buổi tập huấn VSATTP, khám sức khỏe định kỳ tại trụ sở UBND xã, tạo điều kiện để các cơ sở hoạt động đúng quy định, đảm bảo chất lượng trong chăm sóc và dạy học cho trẻ. Ngoài ra, định kỳ hàng quý, UBND xã đều xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra hoạt động của các cơ sở, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trong những năm qua, qua quá trình kiểm tra, hầu hết các cơ sở mầm non tư trên địa bàn xã đã đáp ứng tốt nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, góp phần giảm tình trạng quá tải trong các trường mầm non công lập trên địa bàn xã.
Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Phước Thiền đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn xã, đảm bảo sự công bằng của trẻ trong việc hưởng các quyền về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là con em công nhân đang làm việc tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ đó, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đang hoạt động trên địa bàn xã Phước Thiền đều thực hiện đầy đủ các điều kiện quy theo quy định của pháp luật, chịu sự lãnh đạo và quản lý của chính quyền các cấp, chấp hành nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp và toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ của các cấp quản lý giáo dục, đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất nhóm, lớp với các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu giảng dạy và học tập phục vụ tốt cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ...Đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra trường hợp vi phạm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Đây cũng chính nguồn động viên lớn đối với những bậc cha mẹ, phụ huynh, những công nhân có con em gửi tại các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn để họ yên tâm lao động, sản xuất góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
.
Lê Thị Nguyệt