Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp Viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay. Đó là bé P.P. (4 tuổi, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành).
Ngày 11-6, bé P. khởi phát bệnh với các triệu chứng: sốt cao, mệt, đau bụng, nôn, li bì. Khi đi khám ở phòng khám tư nhân, bé được chẩn đoán là viêm đường ruột và bác sĩ cho thuốc uống. Tuy nhiên các triệu chứng không thuyên giảm.
Ngày 13-6, gia đình tiếp tục đưa bé khám ở phòng khám tư nhân, vẫn được chẩn đoán là viêm đường ruột. Sau đó, phòng khám đề nghị chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị.
Tối ngày 14-6, bệnh nhân mệt hơn, ói nhiều, đau đầu nên được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bé được lấy mẫu xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy. Kết quả dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản.
Đến ngày, 24-6 bé được xuất viện.
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viên não Nhật Bản.
Được biết, bé chưa được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và các loại vắc xin khác.
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác.
Bệnh diễn tiến rất nhanh, sau 1-3 ngày, bệnh nhân có thể bị co giật, hôn mê, phải thở máy, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, bệnh còn gây những di chứng thần kinh về sau, khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau một tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Mai Liên