Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh đái tháo đường ngày càng tăng.
Dễ biến chứng nặng nếu mắc COVID-19
Mặc dù mới hơn 30 tuổi nhưng anh T.H.M., ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa đã bị bệnh
ĐTĐ hơn 3 năm nay. Anh M. cho hay, khi trở lại trạng thái bình thường
mới, anh phải trở lại công ty đi làm việc để kiếm tiền trang trải trong gia đình, tuy nhiên
anh rất lo lắng nếu bệnh của anh không may nhiễm COVID-19, vì khi nhiễm bệnh rất
dễ dẫn đến các biến chứng nặng.
“Trước
đây, chưa có dịch COVID-19, khi đi làm mấy anh em, bạn bè hay ngồi chung bàn ăn
và trò chuyện, nhưng đợt này tôi không dám, cứ đến giờ ăn cơm tôi lấy đồ ăn xong ra ngồi
một góc riêng. Vì tôi nghe nói những người có bệnh mạn tính như tôi
nếu mắc COVID-19 sẽ bị rất nặng, nên tôi luôn giữ gìn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người
xung quanh” – anh M.
nói.
Còn trường hợp của bà H.M.O. (65 tuổi, ở phường Trảng
Dài, TP. Biên Hòa) cũng không ngoại lệ, bà O. cũng lo cho căn bệnh ĐTĐ và huyết
áp của bà. Bà O. cho hay, mặc dù bà đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng
COVID-19 và không đi ra ngoài, tuy nhiên các con của bà đều đi làm công ty nên
bà sợ các con không may bị nhiễm bệnh rồi về lây cho bà.
BS.CKI Đào Văn Tùng, khoa Nội tổng quát, Bệnh viện
Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở người bệnh ĐTĐ
và người không mắc ĐTĐ là như nhau. Tuy nhiên, người bệnh ĐTĐ dễ mắc bệnh hơn,
do đó họ lo lắng cho bệnh tình của mình trong mùa dịch là điều đương nhiên. Vì
hệ miễn dịch ở người ĐTĐ bị suy yếu, khó đánh bại vi rút làm kéo dài thời gian
phục hồi, bên cạnh đó đường huyết cao có thể là môi trường tốt cho vi rút, vi khuẩn
phát triển.
Bác
sĩ tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường cách chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch
COVID-19 tại Bệnh viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai.
Khi
bị nhiễm COVID-19, người bệnh ĐTĐ dễ dẫn đến các biến chứng nặng như: suy hô hấp
cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng,… Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ trong số ca mắc
COVID-19 là 5,9%, nhưng số bệnh nhân ĐTĐ nhiễm COVID-19 phải điều trị trong hồi
sức tích cực là 22,2 %.
Những
điều cần làm để bảo vệ sức khỏe
Theo
BS Tùng, để đảm bảo an toàn cho người bệnh ĐTĐ trong mùa dịch, ngoài việc người
bệnh được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện đúng biện pháp 5K, thì khi ở
nhà người bệnh không tự ý ngưng thuốc hạ đường huyết/insulin. Vì tế bào beta của
tuyến tụy là nơi sản xuất Insulin, tham gia vào quá trình điều hòa đường huyết,
tế bào này sẽ chết dần theo thời gian (chết theo chương trình) và sẽ chết nhanh
hơn ở những người có đường huyết cao (do ngộ độc đường). Vì vậy một toa thuốc
điều trị ĐTĐ có thể chỉ phù hợp trong một thời gian nhất định.
Bên
cạnh đó, người bệnh cần theo dõi đường huyết tại nhà và chú ý nhận biết các dấu
hiệu hạ đường huyết để xử trí kịp thời như: khi thấy đói cồn cào, run tay chân,
hồi hộp, vã mồ hôi lạnh,… cần được thử ngay đường huyết để xác định cơn hạ đường
huyết. Nếu đường huyết < 70mg/dl, người bệnh vẫn tỉnh táo cần uống nước và sữa
có đường, nước ngọt, kẹo, bánh,…. . Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê thì đưa ngay đến
bệnh viện gần nhất.
BS
Tùng cho hay, việc tham vấn qua điện thoại và tái khám thường xuyên rất quan trọng,
vì qua đó sẽ giúp bác sĩ thay đổi nội dung kê toa phù hợp từng giai đoạn, phát
hiện sớm các biến chứng để can thiệp hợp lý, tránh tình trạng bệnh nhân đến khi
biến chứng quá nặng không thể đảo ngược: suy thận, suy tim, nhồi máu cơ tim,
tai biến mạch não, đoạn chi, giảm – mất thị lực…
Ngoài
ra, người bệnh ĐTĐ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và giờ ăn hợp lý; giữ tinh
thần luôn thoải mái, tránh lo âu, sợ hãi; hạn chế uống rượu, bia; tập thể dục,
hoạt động thể lực tại chỗ hợp lý, tránh vận động quá mức.
Minh Thư